Sinh viên mới ra trường cần mang theo những gì trước khi vào công ty? Đây là câu hỏi mà bất kì ai ở độ tuổi chập chững bước vào nghề cũng sẽ tự hỏi mình và hỏi các anh chị đi trước. Sự chuẩn bị tốt sẽ mở toang cánh cửa thành công cho các bạn và ngược lại, bạn nên chuẩn bị thêm vài chiếc CV để rải nếu như không biết cần phải mang theo những kiến thức kĩ năng cần có. Với kinh nghiệm làm việc cho các công ty nước ngoài, bài viết ngày hôm nay mình xin chia sẻ một vài những kiến thức, kĩ năng cơ bản mà một bạn sinh mới ra trường cần có để trụ vững trong những ngày đầu đi làm. Let’s go !!!
1. Nhận thức được mình cần phải chuẩn bị
Rồi chào anh em. Bài ngày hôm này chúng ta nói chuyện không có liên quan gì tới lí thuyết hay thực hành kĩ thuật cả. Mình ngồi nói chuyện trà chanh chém như thời sinh viên thôi. Xung quanh mấy câu chuyện cho các cô cậu sinh viên sắp sửa ra trường đi tìm việc. Các anh em sinh viên cũng ngồi luôn đây để học hỏi sau này dùng. Mấy bạn ra trường rồi cũng nghe để tham khảo. Còn mấy ông có kinh nghiệm cả chục năm rồi thì ngồi giám sát xem tôi nói chỗ nào chưa chuẩn thì cmt tôi sửa dần dần.
Khi tôi quyết định viết bài này, tôi nhớ lại chuyện ngày tôi chuẩn bị ra trường. Cũng nhận thức được việc mình phải chuẩn bị mọi thứ để apply xin việc. Google, Youtube loạn lên cả lên, lan man cả tháng trời với mấy ông diễn giả mà chắc cái tầm của các ông ý khác xa mình nên mơ hồ không biết cái gì là cần thiết với mình cả.
Trên mạng thì có cả đống đấy thế nhưng đôi khi, nhiều quá khiến mình không biết lựa cái gì. Ai cũng nói kiến thức, kĩ năng mềm, ngoại ngữ là quan trọng nhưng nếu thật sự chỉ có như vậy thì bản thân cũng biết rồi, không cần đến kinh nghiệm.
Bài này tôi dành cho anh em kĩ thuật là chủ yếu vì tôi xuất thân từ kĩ thuật mà. Mấy anh em bên kinh tế, ngoại ngữ thì ngồi nghe thôi vì có thể đặc thù mỗi ngành nghề nó khác nhau.

Hãy chuẩn bị thật nhiều trước khi ra trường
Đầu tiên là anh em cần phải nhận thức được, chúng ta cần phải chuẩn bị cho cuộc chiến sắp tới. Đó là cuộc chiến đầu tiên trong sự nghiệp. Thắng lợi ở cuộc chiến này sẽ giúp cho anh em gặt hái được rất nhiều thành công trên con đường công danh sự nghiệp. Ngược lại, nếu thất bại đầu đời này xảy đến với các anh em có EQ thấp thì có lẽ tấm bằng đại học là hàng dùng một lần.
Chắc hẳn anh em cũng biết, có những bạn ra trường đi làm rồi gắn bó lâu dài với một công ty duy nhất. Ngày qua ngày lên hết trưởng nhóm, phó phòng, trưởng phòng rồi trợ lí giám đốc, gặt hái được rất nhiều thành công và sự phát triển trong sự nghiệp. Thế nhưng cũng có những bạn, qua vài năm lại vác CV đi ứng tuyển. Về những lí do các nhân như không đúng ngành nghề, xa nhà, muốn thử sức với công việc mới… bla… bla thì không thuộc nhóm dưới dòng kẻ mà họ có sự chủ động trong nghề nghiệp. Trường hợp này không được coi là long đong lận đận. Nhóm còn lại bên ngoài giống giống nhóm 1 thế nhưng lại mãi ở tầng lớp ngày đầu mới vào. Thật sự chỉ có năm tháng trôi đi chứ sự thành công vốn dĩ đã không còn trên con đường chinh phục.
Hầu hết chúng ta đều chết năm 25 tuổi mà đến tận năm ngoài 70 tuổi mới được đem chôn. Câu nói này dành cho những người nhóm 3, những người dưới dòng kẻ. Những người dưới dòng kẻ là những người an phận, thích an nhàn ngay từ ngày đầu, họ thích sự ổn định. Họ bằng lòng với cuộc sống hiện tại và muốn cuộc sống này cứ tiếp diễn mãi đến hết đời cũng được.
Sinh viên mới ra trường, các bạn như những tờ giấy trắng hoặc có thể ví như những chiếc khăn khô. Hãy tự mang trong mình tinh thần sẵn sàng học hỏi, luôn hoàn thiện mình. Luôn luôn lắng nghe và hạ thấp cái tôi là phương pháp giúp chúng ta học hỏi nhanh nhất anh em ạ. Kiến thức kĩ năng thì cần nhiều nhưng kim chỉ nam để đạt được tất cả chính là sự sẵn sàng học hỏi và ý chí luôn muốn hoàn thiện mình.
Chốt lại part 1 là hãy nhận thức được rằng, chúng ta cần phải chuẩn bị kĩ càng, tinh thần học hỏi và hoàn thiện.
2. Kiến thức cơ bản sinh viên ra trường cần mang theo
Đi làm là sự bán sức lao động và chúng ta là những con buôn. Anh em ra trường chúng ta sẽ bán hết những gì chúng ta có với mức giá mà chúng ta thấy nó phù hợp nhất. Kiến thức chúng ta có, kĩ năng ta trang bị, sức khỏe và thời gian. Phần sức khỏe, đương nhiên là phải có và chúng ta không bàn luận ở đây vì tôi không phải là một nhà đánh giá sức khỏe thể chất. Phần thời gian cũng miễn bàn luận luôn vì tôi cũng không phải là nhà quản lí thời gian. Chỉ có 2 phần là kiến thức và kĩ năng cần có của một sinh viên mà các công ty cần là tôi có chút kinh nghiệm. Và ở phần này, tôi sẽ chia sẻ phần kiến thức trước.
2.1 Kiến thức cơ bản của sinh viên ra trường

Đồ họa kĩ thuật
Tôi định ghi là kiến thức kĩ thuật cơ bản của sinh viên ra trường cho cụ thể. Thế nhưng, trong này cũng có khá nhiều anh em kinh tế nên tôi mạn phép đề là kiến thức cơ bản. Anh em ngụ ý hiểu là kĩ thuật hay kinh tế giúp mình.
Anh em học đại học với chương trình từ 4 đến 5 năm. Giai đoạn từ năm 1 đến hết năm 2 hoặc với anh em kĩ thuật là hết năm 3 là phần kiến thức đại cương và kiến thức cơ bản nghề nghiệp tức là kiến thức nghề nghiệp chung. Giả sử như tôi thuộc Viện Cơ Khí Động Lực – Đại Học Bách Khoa Hà Nôi, thì từ năm 1 đến năm 2, tôi với anh em của Viện Cơ Khí( thiếu chữ Động Lực là do đây là 2 viện khác nhau chứ không phải lỗi đánh máy), sẽ học chung giảng đường, chung chương trình, chung môn học. Đến năm 3 tôi được phân về bộ môn Máy và Tự Động Thủy Khí thì tôi lại vẫn chung lớp học với anh em Ô tô hay Động Cơ đốt trong. Tôi gọi kiến thức từ năm 1 đến năm 3 là kiến thức cơ bản.
Anh em ra trường đi ứng tuyển thì nếu vào đúng vị trí mà mình theo năm 4 năm 5 thì gọi là đúng chuyên ngành. Nếu là vào vị trí năm 1 đến năm 3 thì gọi là có tí liên quan còn không vào tí gì, giả sử như mấy ông kĩ thuật sang làm kinh tế thì gọi là trái ngành.
Rồi thì giờ mới bắt đầu nói chuyện, lát giờ là giải thích mấy khái niệm bên lề. Hầu hết anh em khi đi làm sẽ vào các vị trí công việc có liên quan chứ ít khi làm đúng được chuyên ngành. Các công ty cũng không có bắt buộc phải tuyển đúng chuyên ngành. Thế nên anh em sinh viên cần phải xác định là, ngành nào cũng chiến, nhạc nào cũng phải nhảy.
Kiến thức cơ bản chính là những môn kĩ thuật như sức bền vật liệu, cơ học kĩ thuật, vật liệu kim loại, kĩ thuật thủy khí, chi tiết máy, dung sai lắp ghép, kĩ thuật đo, đồ họa kĩ thuật, kĩ thuật điện, tin học đại cương… bla bla… Những anh em kinh tế thì tự xác định giúp mình bởi mình cũng không nắm được các môn học của các bạn.
Khi đi làm, chúng tôi cần những kiến thức cơ bản của các bạn về những môn học trên ở mức cơ bản. Các bạn học càng giỏi thì càng tốt cho các bạn nhưng tối thiểu cũng phải ở mức biết. Các bạn vào công ty sẽ được đào tạo thêm và các bạn sẽ có cơ hội để kiểm chứng và áp dụng những gì mình học vào từng dự án thiết kế hay thi công.
Nhớ lại ngày đầu đi làm, còn rụt rè, cảm giác tự ti khó tả. Nhưng rồi các bạn sẽ thấy mình trường thành hơn rất nhiều qua từng dự án. Nhưng đó là khi các bạn đã trụ vững, chứng tỏ năng lực được rồi.
Không ít các bạn trẻ khi ra trường không thể đạt tới ngưỡng trung bình. Các bạn đừng nghĩ rằng, kiến thức học tập trong nhà trường là những mớ lí thuyết xuông, xa rời thực tế.
Cũng từng có một thời, khi đi thực tập tốt nghiệp. Lần đầu ra chiến trường mà, mỗi lần thấy các anh chém gió với nhau, hoặc hỏi thử mình mấy câu hỏi mà có biết cũng không dám trả lời vì sợ sai, tôi lại đối chiếu lại với sách vở và thấy nó hầu như đã được đề cập hết ở trong sách rồi.
Không biết các bạn có lo lắng về khả năng thực hành, thi công không. Riêng tôi thì rất may mắn đã được lĩnh hội từ các tiền bối. Chúng ta là những kĩ sư và chúng ta cần phải giải thích được mọi thứ thông qua những nguyên lí hoạt động, những phương trình hay những con số, chứ không phải là chỉ biết làm và nôm na đại khái. Việc giải thích là việc của chúng ta còn phần thi công vận hành lắp đặt, các anh thợ họ giỏi hơn chúng ta nhiều.
Luận điểm trên giúp chúng ta hiểu rằng, đối với một kĩ sư, cả mới ra trường hay có kinh nghiệm thì việc chúng ta hiểu, hiểu sâu và giải thích được là việc bắt buộc, là thế mạnh. Việc thao tác hay lắp đặt, chúng ta chắc chắn sẽ không bằng những anh thợ và chúng ta hãy ở thấp hơn vì đó là công việc của họ.

Kiến thức cơ bản sinh viên cơ khí
Chằng có gì phải xấu hổ khi chúng ta lóng ngóng, vất vả khi lắp đặt hay sửa chữa thiết bị, hệ thống nhưng sẽ cảm thấy xấu hổ nặng nề nếu không biết giải thích hay phân tích những thứ ở mức cơ bản mà ngay đến cả một người thợ họ cũng có thể hiểu.
Chốt lại, phần kiến thức cơ bản kĩ thuật hay kinh tế, các anh em cần phải có. Những gì thiếu xót, anh em sẽ được bổ sung thêm khi vào công ty nhưng cơ bản, anh em phải nắm vững. Chỉ cần nắm cơ bản thì 90% anh em sẽ pass qua vòng phỏng vấn kiểm tra đầu vào. Hãy nhớ là học hành thật chuẩn những môn đại cương cơ bản. Có nó, chúng ta chỉ cần điều chỉnh chút là thích ứng được với công việc.
2.2 Kiến thức chuyên ngành

Kĩ thuật thủy khí
Phần kiến thức chuyên ngành theo mình đánh giá là nó không quan trọng bằng kiến thức cơ bản. Tốt thôi nếu anh em chọn được công việc đúng với chuyên ngành. Thế nhưng, hầu hết chúng ta sẽ không có được cơ hội tốt ấy.
Kiến thức chuyên ngành mang tính chuyên sâu, eo hẹp trong một phạm vi nào đấy. Sẽ thật sự tốt nếu như các bạn được làm việc trong một môi trường công ty mà chuyên ngành của bạn là mũi tên phát triển của công ty. Trong trường hợp này, bạn sẽ làm được việc luôn không cần thêm nhiều thời gian.
Hầu hết các trưởng phòng đều phải sở hữu lượng kiến thức chuyên sâu về mảng kĩ thuật mà công ty sản xuất. Ví dụ, công ty anh em apply vào là công ty liên quan tới thủy lực, gia công xi lanh thủy lực, gia công van và lắp ráp trạm nguồn. Trưởng phòng kĩ thuật của các bạn sẽ thuộc một trong 2 loại sau đây.
Một là tốt nghiệp chuyên ngành thủy khí kết hợp với kinh nghiệm đi làm vài năm trở lên. Khi đó, lượng kiến thức chuyên ngành đủ giúp công ty hoạt động và dẫn dắt các thành viên trong phòng.
Hai là không tốt nghiệp chuyên ngành thủy khí, song lại có kinh nghiệm làm trong công ty về thủy lực khí nén ít nhất phải 7 8 năm. Phải thật sự có kinh nghiệm nhiều năm mới có thể đảm nhận được công việc quan trọng này.
Anh em sinh viên ra trường thật sự khó để tìm được việc đúng chuyên ngành theo học. Hầu hết các bạn ứng tuyển vào công ty dựa theo chế độ, vị trí địa lí. Cụ thể hơn là về mức lương, gần hay xa nhà. Các bạn ấy sẵn sàng đánh đổi việc làm đúng chuyên ngành lấy các điều kiện tốt khác. Không có sự đúng hay sai ở đây cả vì mỗi sự lựa chọn đều có mặt thuận lợi riêng.
Theo quan điểm cá nhân, việc làm đúng chuyên ngành hay không thì không quá quan trọng. Nếu đúng, bạn sẽ dễ dàng thích ứng, nhưng lại không có mảng kiến thức mới trau dồi. Nếu không đúng, bạn sẽ vẫn có kiến thức nền tảng công cụ để học hỏi thêm, có vất vả chút xíu thế nhưng được học hỏi thêm mảng kiến thức rộng hơn. Ngoài thực tế thì phần đa chúng ta chỉ có thể tìm được công việc liên quan tới ngành học chứ ít khi làm đúng chuyên ngành.
3. Kĩ năng trang bị cho sinh viên mới ra trường
3.1 Ngoại ngữ là kĩ năng số 1 của sinh viên mới ra trường

Ngoại ngữ cho sinh viên Bách Khoa
Ngoại ngữ là phần quan trọng số 1 hiện nay cho tất cả các bạn sinh viên mới ra trường nếu như các bạn muốn tìm được công việc tốt, lương khởi điểm cao.
Các bạn sinh viên bên ngành kinh tế thì ngoại ngữ rất tốt. Hầu hết các bạn đã ý thức được việc ngoại ngữ là phần kiến thức cần có để trang bị trước khi ra trường. Mấy anh em kĩ thuật thì có vẻ kém mảng này. Ngoại ngữ không nằm trong mục tiêu chinh phục nên chính vì thế, các bạn kĩ thuật thật sự yếu.
Hãy hình dung thế này anh em nhé. Bạn muốn phấn đấu lên các vị trí quan trọng của công ty như trưởng nhóm, leader. Thế nhưng những vị trí đó lại thường xuyên phải làm việc với các sếp nước ngoài. Bạn giao tiếp với họ kiểu gì?
Các công việc trong phòng chủ yếu đến từ các chủ trương, sự chỉ đạo từ các sếp nước ngoài. Mọi thứ cần phải diễn giải, giải thích và báo cáo tiến độ hàng ngày chứ không nói gì đến hàng tuần. Vậy thì nếu như không có ngoại ngữ thì bạn có làm được công việc đó không?
Đó là chưa kể, trong tất cả các cuộc họp, mọi công việc, sự phát triển định hướng công việc trong thời gian tới đều được nói bằng ngôn ngữ của họ. Các cuộc liên hoan văn nghệ, dã ngoại nghỉ mát là dịp cho chúng ta củng cố mối quan hệ nhưng bạn sẽ chỉ cười trừ nếu như ngoại ngữ là rào cản.
Chuyên môn bạn rất tốt nhưng thật sự, vị trí quan trọng bậc cao chỉ dành cho những người thông thạo ngoại ngữ mà thôi. Hãy dành nửa thời gian trên đại học hoặc hơn cũng được, tập trung vào ngoại ngữ. Một chiếc bằng khá với khả năng ngoại ngữ tốt bao giờ cũng vươn cao hơn một tấm bằng đỏ xuất sắc anh em nhé.
3.2 Kĩ năng tin học văn phòng và phần mềm chuyên dụng

Tin học văn phòng cho sinh viên thủy khí
Tin học văn phòng bao gồm việc bạn có khả năng sử dụng máy tính và office( word, excel, powerpoint) ở mức cơ bản và việc phô tô in ấn.
Những kĩ năng này trong các môn học, quá trình làm đồ án môn, đồ án tốt nghiệp các thầy đã yêu cầu các bạn. Phần đa các bạn sinh viên đã từng làm ít nhất 3 đồ án trong toàn bộ chương trình học. Chưa kể các bạn trượt và học lại thì lại càng có kinh nghiệm.
Các bạn sinh viên kĩ thuật thì chỉ cần dùng nó ở mức cơ bản. Trình bày gọn gàng, bắt mắt là ổn. Đối với các bạn sinh viên kinh tế, do đặc thù công việc của các bạn là xử lí các con số và báo cáo sao cho để lại ấn tượng, office phải đạt tới sự chuyên nghiệp. Mình không nói quá đâu vì các bạn cứ thử nhìn lên các bản báo cáo làm việc nhóm của các chiến dịch quảng cáo của các công ty mà xem. Thật sự đó là những bức ảnh dễ gây ấn tượng mạnh và mang lại nhiều cảm xúc nhất.

Phần mềm thiết kế hệ thống khí nén Solid Edge
Công việc của chúng ta trong các công ty sản xuất của nước ngoài, hàng ngày, từng thao tác, từng nguyên công phải báo cáo chi tiết lại cho các sếp. Những con số thể hiện trên báo cáo cần phải thật chuẩn xác và đầy đủ. Tin học văn phòng các bạn sử dụng đôi khi còn nhiều hơn phần mềm vẽ 2D, 3D cơ khí. Mình thấy các bạn thường hay lúng túng khi sử dụng chúng. Nhất là với sinh viên mới ra trường.
Công việc của một trưởng nhóm hay một trường phòng hàng ngày là check lại khâu cuối cùng và lập số liệu tổng hợp hoặc nhìn qua số liệu tổng hợp. 80% hoặc hơn anh em sẽ làm việc với số liệu nhiều hơn là với phần mềm vẽ. Sẽ ra sao nếu như các bạn không thành thạo các công cụ tin học văn phòng.
Các bạn sinh viên kĩ thuật mới vào đa phần là tin học chỉ ở mức cơ bản. Nếu bạn muốn nhàn hơn, chuyên nghiệp hơn thì hãy biết cách sử dụng và hướng dẫn cho các bạn sinh viên mới ra trường để bạn sẽ không phải rỗi mắt với những con số.
Phần mềm chuyên dụng của mỗi ngành nghề là khác nhau. Với anh em cơ khí là các phần mềm vẽ 2D, 3D như NX, Catia, Solidwork, Inventor, Autocad. Với anh em điện là Cad điện Orcad, PLC, Proteus, Arduino….
Mình dân cơ khí nên chỉ có thể đưa ra lời khuyên về phần mềm cơ khí. Các anh em khác thì tham khảo các anh em khóa trên hay từ các thầy. Về cơ bản thì cơ khí các bạn phải biết vẽ 2D, 3D bằng phần mềm vì hiện tại, 100% các công ty làm việc trên phần mềm chứ không làm bằng tay để chuyên nghiệp, chính xác và tiết kiệm thời gian.
2D thì autocad các bạn sẽ biết và tất cả đều phải biết. 3D thì tùy vào từng chuyên ngành, các bạn sẽ sử dụng một trong các phần mềm vẽ 3D. Các phần mềm bậc cao 3D như Nx, Catia có đầy đủ công cụ từ thiết kế đến gia công. Các phần mềm tầm trung như Solidwork và Inventor thích hợp cho các khối đơn giản, thao tác nhanh và dễ sử dụng. Ak mà đối với anh em thủy khí, trong trường thì ít dùng nhưng khi đi làm thì các công ty sử dụng phần mềm thiết kế đường ống khí nén cũng như van điều chỉnh, điều khiển khí nén Solid Edge rất nhiều. Anh em tham khảo dưới link sau nhé.
Anh em sinh viên mới ra trường cần trang bị ít nhất một phần mềm 2D và 1 phần mềm 3D. Tùy thuộc vào công ty của các bạn sử dụng phần mềm nào các bạn sẽ được đào tạo sử dụng phần mềm ấy. Các phần mềm về vẽ cơ bản sẽ là giống nhau còn các lệnh nâng cao thì cần thời gian.
3.3 Các kĩ năng mềm quyết định nhiều tới sự thành công

Học tập chăm chỉ là chìa khóa mở kiến thức
Chắc hẳn anh em đã từng nghe rất nhiều rằng, kĩ năng mềm ảnh hưởng tới 85% sự thành công của chúng ta trong sự nghiệp. Mình cũng rất đồng tình với quan điểm này.
Thế nhưng kĩ năng nào là cần thiết trong số các kĩ năng mà người ta liệt kê ấy. Cần bao lâu thời gian để có thể học được và áp dụng nhuần nhuyễn được. Lãnh đạo nhóm, làm việc nhóm, thuyết trình, giao tiếp… bla bla là những kĩ năng mềm.
Đối với mỗi người thì bẩm sinh đã có một vài kĩ năng trời phú. Dù không được học hay đào tạo qua các lớp, họ đã sở hữu riêng trong mình một trong số các kĩ năng mềm và họ nhất định sẽ thành công với kĩ năng ấy. Với những bạn không có, các bạn có thể học, chí ít là biết để áp dụng. Dù cho có không được hoàn hảo như sở trường thì cũng có thể tồn tại, đáp ứng công việc.
Ra trường, các bạn vừa thiếu vừa yếu kiến thức lẫn kĩ năng. Phải học, phải quan sát học hỏi thì mới có thể tiếp tục công việc được. Đừng lo các bạn ạ, chỉ cần không phạm sai lầm quá nghiêm trọng, các bạn nhất định sẽ trụ vững được.
Các kĩ năng thì nhiều, tuy nhiên, để có một cái gì đó khái quát cho đơn giản thì mình có một vài cái kim chỉ nam cho các bạn. Dù là sinh viên mới ra trường hay có kinh nghiệm, dù là sinh viên kĩ thuật hay sinh viên kinh tế các bạn cũng đều áp dụng được. Và không chỉ áp dụng trong các công ty mà ngay cả trong gia đình, làng xóm, trong mối quan hệ người với người, các bạn cũng sẽ đạt được những thành công nhất định.
Sự tôn trọng. Sự tôn trọng là vô cùng cần thiết trong bất kì một mối quan hệ nào. Ngay trong cả mỗi quan hệ thường ngày, mỗi quan hệ đó chỉ tồn tại nếu như có sự tôn trọng lẫn nhau. Công ty là nơi sự tôn trọng được thể hiện rõ nhất. Các bạn đi làm, họ trả lương cho các bạn. Họ có nghĩa vụ tôn trọng quyền riêng tư, cá nhân, tôn trọng bản hợp đồng lao động của các bất kì bạn là công nhân hay sếp lớn.
Ngược lại, các bạn cần có sự tôn trọng với họ. Tuân thủ các quy tắc do họ đặt ra chính là một sự tôn trọng. Giữa những quan hệ với cấp trên và với cấp dưới, với đồng nghiệp phải luôn có sự tôn trọng. Cho dù có không đồng tình, mâu thuẫn gay gắt trong các cuộc họp thì chúng ta vẫn luôn phải tôn trọng họ. Tin tôi đi, anh em nào muốn phá vỡ mọi mối quan hệ, mọi thành quả đạt được thì hãy thử làm ngược lại. Dù bạn có tài năng thế nào đi chăng nữa thì chắc chắn bạn cũng sẽ phải say good bye sớm thôi.
Tinh thần lắng nghe và mong muốn hoàn thiện bản thân. Không có một phương pháp nào học tập hiệu quả và tiết kiệm thời gian như kĩ năng này. Lắng nghe và tinh thần học hỏi mong muốn hoàn thiện bản thân sẽ giúp các bạn mở toang được mọi cánh cửa tri thức. Không cần phải nói nhiều, không cần phải học ở đâu xa, ngay tại chính nơi làm việc, trong quá trình trao đổi, chỉ đạo từ cấp trên, các bạn sẽ thu nhặt được một lượng kiến thức sát với công việc nhất.

Kĩ năng mềm mở toang cánh cửa thành công
Lắng nghe kĩ, học hỏi họ và áp dụng ngay vào các dự án khi có thể là cách mà tôi vẫn luôn sử dụng. Đồng nghiệp, cấp trên, và ngay cả cấp dưới chính là những người thầy bên cạnh ta. Kiến thức không bao giờ là đủ và sự lắng nghe từ họ sẽ giúp bạn nhanh chóng lấp đày chỗ trống. Bạn càng lắng nghe nhiều, bạn càng thông thái bấy nhiêu. Kiến thức trong trường các bạn vất vả lắng nghe học tập vì các bạn nghĩ rằng, người đứng trên bục giảng là các thầy. Các bạn tiến bộ rất mau. Thế nhưng khi đi làm, những người xung quanh bạn biết rất nhiều, họ nói ra vậy tại sao bạn không ngầm coi họ là thầy để học hỏi? Họ mới chính là những người thầy trong công việc.
Khả năng chịu đựng và kiềm chế. Bước chân vào công ty, vào môi trường mới thì việc thì việc chịu đựng áp lực cao đến từ công việc và các sếp, thậm chí là từ đồng nghiệp cũng là việc hết sức bình thường. Tìm được một môi trường tốt, mọi người cư xử tốt với bạn, đấy là sự khởi đầu thuận lợi. Sếp xấu tính, đồng nghiệp chơi đểu bạn cũng sẽ học hỏi được nhiều điều. Một trường tuyệt vời rèn luyện sự chịu đựng.
Đứng trước những điều bất lợi, ai trong các bạn sinh viên mới ra trường đều mắc sai lầm. Có thể là phản ứng lại ngay lập tức, có thể là giọt nước tràn ly lâu ngày mới bộc phát. Thế nhưng dù thế nào, nếu muốn tiếp tục công việc thì bạn cần phải rèn luyện được tính chịu đựng.
Chả có cách nào khác cả vì hoàn cảnh, điều kiện hiện tại của chúng ta đang ở thế bất lợi. Chúng ta đang ở thế yếu hơn và khi tham gia vào cuộc chơi, chúng ta cần tôn trọng luật chơi. Nó có thể vô lí, có thể là bạn đúng và cả công ty là một lũ khốn. Bạn có thể out chứ đừng mong có thể thay đổi được gì nhé. Hãy nghe tôi, chịu đựng và kiềm chế sẽ giúp ích sau này rất nhiều cho bạn.
Không một nhà lãnh đạo nào lại không giỏi kiềm chế. Đối với họ, dù ngày mai công ty có phá sản, tiêu tan cả đời tâm huyết thì họ cũng vẫn sẽ bình tĩnh, chiến đấu đến cùng. Anh em sinh viên mới ra trường cũng vậy. Các bạn là hình bóng của họ ngày mới vào nghề và hãy thể hiện mình cho tốt. Họ sẽ giao cho bạn trọng trách khi nào họ thấy bạn đủ các kĩ năng cần có của vị trí đó.
Trên đây là ngắn gọn vài kĩ năng mình thấy cần thiết cho các anh em sinh viên mới ra trường để trụ vững được trong môi trường làm việc công ty. Các bạn càng hoàn thiện bấy nhiêu thì cánh cửa cơ hội càng mở rộng ra bấy nhiêu. Hi vọng giúp ích ít nhiều cho các bạn. Hãy cố gắng lên vì ai cũng phải trải qua như vậy và không có ai là dễ dàng cả. Qua một vài năm rồi các bạn sẽ ổn hơn và tương lai bạn sẽ ở phía trước.
Chúc các bạn sinh viên thành công. Thân ái !!!