Bơm bánh răng là bơm thủy lực phổ biến nhất trong các hệ thống thủy lực. Với đặc điểm là tạo ra lưu lượng và áp suất trung bình, bơm bánh răng được dùng rất rộng rãi. Tuy vậy, chất lượng bơm bánh răng, nhất là bơm bánh răng Trung Quốc, thường không được đảm bảo cao như bơm piston thủy lực. Trong bài viết này, tôi sẽ bắt bệnh và lưu ý cho anh em về những hỏng hóc thường gặp đối với bơm bánh răng.
1. Các hư hỏng thường gặp trong bơm bánh răng
1.1 Mòn đỉnh răng khiến bơm bánh răng hỏng

bom_banh_rang_thuy_luc
Như mình đã đề cập ở trên cho anh em, mòn là hư hỏng thường gặp nhất trong bơm thủy lực. Mòn bề mặt và mòn đỉnh răng sẽ xảy ra khi bơm bánh răng hoạt động được một thời gian dài.
Vì sao xảy ra hiện tượng mòn này, mình sẽ giải thích kĩ hơn cho anh em. Trong quá trình ăn khớp, bề mặt răng của bánh răng chủ động và bánh răng bị động sẽ lăn trên nhau ra ma sát gây mòn. Không những thế, các lớp dầu khi chuyển động với áp suất cao cũng gây ra một lượng ma sát rất đáng kể.
Lúc bơm bánh răng chưa sử dụng, khe hở giữa đỉnh răng và vỏ bơm stato rất nhỏ. Khi bơm thủy lực bị mòn đỉnh răng, khe hở này lớn hơn, lưu lượng và áp suất bơm bánh răng sẽ giảm. Khi hiện tượng mòn đỉnh răng diễn ra mạnh, không còn cách nào khác khắc phục mà chỉ có thể thay thế mới.
1.2 Xước bề mặt răng và vỏ bơm bánh răng

Xuoc_be_mat_rang_rat_nang
Vấn đề này liên quan nhiều tới dầu thủy lực. Dầu thủy lực bẩn chứa nhiều hợp chất và cặn( trong đó có thể có bavia, mạt sắt, cát) sẽ làm xước bề mặt răng và vỏ bơm dưới áp suất cao. Bề mặt và vỏ bơm sẽ có những vết xước dọc và ngang dài, lâu dần sẽ phá hủy bề mặt răng.
Các mạt sắt, cát hay dị vật xuất hiện trên bề mặt răng với áp lực lớn phá hủy lớp bề mặt răng vốn dĩ đã được nhiệt luyện và thấm các kim loại màu để gia tăng cơ tính. Mất đi lớp bảo vệ bên ngoài bề mặt răng này, bánh răng sẽ rất dễ bị hư hại, nhất là do hiện tượng xâm thực.
Chính vì những lí do trên, dầu thủy lực luôn luôn phải chú trọng. Anh em phải thường xuyên theo dõi và nên lắp bộ lọc dầu trong tất cả các trạm nguồn để lọc cặn .Tuy nhiên, khi lắp phải để ý thay và vệ sinh định kì tránh để tắc.

Chay_xuoc_be_mat_bich_so_8
Vấn đề xước thứ hai của bơm bánh răng mà tôi cần lưu ý cho anh em chính là xước bề mặt bích số 8. Giữa bề mặt bích số 8 và bề mặt bánh răng luôn luôn tồn tại một lớp dầu bôi trơn. Lớp dầu này có vai trò tương tự như lớp màng dầu giữa block xy lanh thủy lực và đĩa phân phối trong bơm piston. Cả hai đều được gọi là ” nêm dầu thủy lực” được hình thành do áp lực dầu, có tác dụng giảm ma sát đáng kể. Nếu như không có lớp màng này, ma sát sẽ sinh ra rất nhiều, lượng nhiệt tỏa ra vô cùng lớn.

Khe_nem_dau_thuy_luc
Nhưng, nhưng nhé, để hình thành được” nêm dầu thủy lực ” này, đòi hỏi bề mặt tiếp xúc của bích số 8 phải nhẵn mịn, tức là độ nhám thấp ,độ bóng cao và không chầy xước nhằm đảm bảo cho dầu thủy lực không thoát khe. Khi bị vết bẩn làm trầy xước, nêm dầu thủy lực sẽ không được duy trì và hậu quả của nó anh em tự suy ra nhé.
1.3 Rò rỉ trong bơm bánh răng
Bơm bánh răng thường có 5 phớt mà anh em cần để ý. 2 phớt số 3 ở hai bích số 8 hai đầu. 1 phớt cổ trục bơm. 2 phớt còn lại ở hai nắp. Cho anh em coi hình cái đã.

Phot_nap_bom_banh_rang
Phớt thủy lực đầu tiên chính là phớt nắp. Công dụng của phớt thủy lực này làm kín khe hở bên trong và bên ngoài bơm. Phớt này mình không có gì đáng chú ý cả. Chỉ cần anh em thay như gioăng phớt thủy lực bình thường, yêu cầu đúng hình dạng kích thước và chất lượng là ok.

Phot_dong_truc_bom_banh_Rang
Phớt cổ trục là phớt đồng. Mặc dù làm bằng đồng nhưng phớt đồng có khả năng làm kín rất tốt. Hầu như không có khe hở khi lắp. Nói thì nói thế thôi chứ nếu không phải là cao su đàn hồi, thì kiểu gì cũng sẽ có khe hở. Tuy vậy, do đặc tính nhớt của dầu thủy lực nên những khe hở làm kín đó sẽ được bịt bởi chính dầu thủy lực. Anh em không sợ rò rỉ nhé.

Phot_so_3_bom_banh_rang
Cái mình muốn nói ở đây là hai cái phớt số 3 hai đầu. Anh em để ý thấy chưa, nhiều anh em chưa biết công dụng của nó thì đây. Nó gồm một gioăng làm kín và một gân tăng cứng đi kèm, không phải là hai gioăng đâu. Chức năng chính của gioăng này là ngăn không cho dầu từ buồng đẩy sang buồng hút và ngược lại.

Phot_va_gan_tang_cung_so_3_bom_banh_rang
Trong quá trình tháo lắp anh em phải nhớ lắp đúng, nếu như lắp ngược, trong quá trình bơm chạy, phớt thủy lực đó sẽ bị thổi bay. Anh em hết sức lưu ý khi tháo lắp bơm bánh răng vì bạc số 8 có thể lắp xuôi hay lắp ngược đều vừa cả. Lắp ngược gioăng phớt cũng sẽ bị thổi bay, khi đó dầu thủy lực buồn hút và buồng đẩy sẽ rò rỉ sang nhau làm mất lưu lượng bơm. Vấn đề này mình xin phép anh em trình bày ngay dưới đây.
1.4 Bơm bánh răng hỏng do lắp ngược
1.4.1 Lắp ngược cụm bánh răng làm bơm giảm hiệu suất

Cum_banh_rang_trong_bom_banh_rang
Bất kì một chi tiết máy nào lắp ngược đều phải trả đắt. Tuy nhiên, khác với các chi tiết máy khác, bơm bánh răng lại rất dễ bị lắp ngược vì đặc điểm cấu tạo của nó mà nếu không tập trung, hoặc không biết, anh em rất dễ bị nhầm.
Bơm thủy lực piston hay bơm thủy lực bánh răng có thể sử dụng ở cả hai chế độ làm việc. Là động cơ hay bơm thủy lực đều được.
Do đặc điểm cấu tạo đối xứng của vỏ bơm bánh răng, nên sau khi tháo ra anh em rất dễ bị nhầm. Ngày còn là sinh viên học tập thí nghiệm ở Bách Khoa, mấy thầy bộ môn Máy và Tự động Thủy Khí việc đầu tiên trước khi rời ghế giảng đường là phải thông thuộc kết cấu của tất cả các loại bơm. Tìm hiểu rồi vẽ lại bản vẽ, rồi bảo vệ trước hội đồng. Tuy vậy, tháo ra sau đó lắp lại là cả một vấn đề lớn.
Một cách để lắp đúng chính là đánh dấu chụp ảnh lại. Tuy nhiên, không phải lúc nào anh em cũng có thể làm điều đó và nhỡ có lúc quên thì sao. Tôi sẽ chỉ cho anh em cách lắp bơm bánh răng chuẩn. Cách này cũng có thể được áp dụng nếu như anh em muốn biến bơm bánh răng thủy lưc thành động cơ bánh răng thủy lực.
Một chân lí luôn luôn là: Cửa hút bơm bánh răng thủy lực bao giờ cũng lớn hơn cửa đẩy bơm bánh răng

Kich_thuoc_cua_hut_day_cua_bom_banh_rang
Về mặt kết cấu, đối với bơm bánh răng, anh em để ý cửa hút và cửa xả của bơm bánh răng. Thông thường nếu là bơm thủy lực thì cửa hút bao giờ cũng lớn hơn cửa xả. Tại sao đường kính cửa hút của bơm bánh răng có kích thước lớn hơn đường kính cửa đẩy ?
Đặc điểm này mang lại một vài lợi ích rất khoa học.
Lợi ích đầu tiên đến từ việc, kích thước cửa hút lớn nhằm tạo ra khả năng hút dầu thủy lực được nhiều hơn, đảm bảo cho quá trình hút môi chất là liên tục, không gián đoạn. Chúng ta đã biết nếu như bơm, bất kì loại bơm nào cũng thế, mà không đủ lưu lượng hút thì ngoài việc không cung cấp đủ lưu lượng và áp suất, nó còn gây hư hại cho bơm.

Xam_thuc_trong_bom_banh_rang
Nếu như không có lưu lượng hoàn toàn, thì gây hỏng bơm sau một vài giờ hoạt động. Nếu như thiếu ít nguồn cấp, sẽ gây ra xâm thực do phải hút lần không khí vào do chất lỏng không đủ để điền đầy vào lỗ hút.
Đó là lợi ích chống xâm thực do đường kính cửa hút lớn.
Nhưng đó vẫn chưa phải hết công dụng của việc đường kính hút lớn. Đường kính cửa hút lớn tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho việc chất lỏng được hút lên. Nếu như đường kính cửa hút nhỏ, với cùng một lưu lượng hút thì đòi hỏi số vòng quay của bơm thủy lực phải tăng cao hơn để có thể tạo đủ lượng áp suất chân không cần thiết mới có thể hút được dầu thủy lực hay nước lên. Điều này vô hình chung tạo điều kiện thuận lợi cho xâm thực sinh ra và phát triển. Bởi vì một trong những cách để giảm ảnh hưởng hay ngăn chặn hiện tượng xâm thực chính là giảm số vòng quay của bơm thủy lực. Anh em có thể tham khảo bài viết sau:
Đó là hai kĩ do tại sao đường kính cửa hút lại có kích thước lớn hơn đường kính cửa đẩy trong bơm bánh răng.

Xam_thuc_pha_huy_be_mat_rang_bom_banh_rang
Đối với động cơ thủy lực, cửa hút sẽ ngược lại với bơm thủy lực, cửa hút nhỏ hơn cửa xả của động cơ thủy lực. Những động cơ thủy lực hay bơm thủy lực làm việc ở chế độ hai chiều, thường có kích thước đường hút và đường xả same same nhau.
Ok rồi, bây giờ mình sẽ hướng dẫn cho anh em cách lắp bánh răng thuận cho bơm thủy lực. Lấy vỏ bơm làm mốc chuẩn để lắp ghép. Đặt hai bánh răng vào vỏ bơm bình thường, cầm trục bánh răng chủ động quay theo chiều kim đồng hồ. Anh em để ý sẽ có hai vùng ra khớp và vào khớp. Lí thuyết là thế này, vùng ra khớp phải ở bên cửa nạp và ngược lại, vùng vào khớp sẽ là bên cửa đẩy. Anh em có thể tham khảo lí do này tại video sau nhé.
1.4.2 Lắp ngược bích số 8 trong bơm bánh răng
Sau khi đặt được cụm bánh răng vào trong vỏ bơm, việc lắp đặt bích số 8 vào cũng là một khó khăn khiến anh em bối rối và dễ nhầm. Và tôi sẽ lại tiếp tục hướng dẫn anh em bên cạnh việc giải thích chút xíu lí thuyết để anh em nắm được.

Bich_so_8_bom_banh_rang
Trước tiên là việc hiểu và lắp phớt số 3 lên bích số 8 đã. Phớt số 3 thông thường sẽ gồm một phớt mà một gân tăng cứng. Phớt cao su số 3 là cao su có tích chất đàn hồi, làm kín cực tốt. Tuy vậy, nó cần phải được đi kèm với gân làm bằng chất liệu Teflon nhằm đạt được sự cứng vững. Cái này anh em nhìn thấy cả khi tháo lắp.
Bích số 8 đó thực chất là 2 vòng bi lắp nối tiếp nhau. Trên đó có mang phớt số 3 bên trên mà mình đã đề cập. Nếu để ý kĩ thì anh em cũng sẽ thấy có hai đường rạch nhỏ như hình vẽ.

Hai_khe_nho_bich_So_8_trong_bom_banh_rang
Anh em có biết công dụng của hai đường rạch trên bích số 8 này không?
Trong quá trình quay bơm, trục của bơm sẽ ma sát với hai vòng bi. Dầu thủy lực từ cửa hút sẽ bôi trơn trục nhằm giảm ma sát và tỏa nhiệt. Và, và anh em chú ý, hai khe nhỏ trên bích số 8 này nhằm mục đích lưu thông dầu bôi trơn và tỏa nhiệt.
Xong lí thuyết, giờ tôi sẽ hướng dẫn anh em cách lắp bích số 8 mà không bị ngược. Có lí thuyết giải thích dễ hiểu hơn rất nhiều. Quy trình là thế này.
Anh em lắp bích số 8 làm sao cho hai rãnh phải nằm ở bên cửa hút và phớt số 3 trên bơm bánh răng phải nằm bên phía cửa đẩy. Tại sao người ta lại thiết kế để lắp kiểu đó?

huong_dan_thao_lap_bom_Banh_rang
Giải thích cho khe rãnh bôi trơn trước. Bởi vì người ta không muốn dầu thủy lực có áp suất cao đi qua khe bôi trơn tỏa nhiệt nhiều. Thứ nhất, giảm áp suất dầu. Thứ hai dầu áp cao đi qua khe hẹp nhiều sẽ ma sát và nóng, không tốt cho hệ thống.
Còn về phần phớt số 3, lắp bên phía cửa đẩy để ngăn chặn ngay việc dầu áp suất cao chảy qua khoang áp suất thấp. Đó là sự giải thích.
Anh em có thể tháo ra và lắp lại mà không sợ nhầm rồi đó.
1.5 Quá tải khiến bơm thủy lực hư hại nghiêm trọng
1.5.1 Bơm bánh răng quá tải do tải phải nâng hạ tải trọng nặng

Tai_trong_qua_tai_lam_ro_ri_dau_qua_phot_xy_lanh
Đối với bơm bánh răng, hiện tượng quá tải thường xuyên xảy ra sẽ làm hư hại các răng làm việc. Nếu như trong hệ thống thủy lực không có van một một chiều. Như đã đề cập ở trên, bơm bánh răng có thể lập tức quay ngược lại. Khi áp suất dầu từ đường đẩy bị tải trọng tác dụng ngược lại, áp suất dầu tác dụng ngược trở lại bề mặt răng của bơm thủy lực, khiến bơm thủy lực đổi chiều quay.

Bom_banh_rang_thuy_luc
Lúc này thì bơm thủy sẽ không làm việc bình thường với chức năng của bơm thủy lực vốn có trong hệ thống. Đoạn này hơi hại não xíu nên các anh em tập trung nhé. Chúng ta hiểu với nhau là gì, khi động cơ điện quay kéo trục của bơm thông qua khớp nối sẽ làm quay bơm bánh răng. Từ đó truyền cho dầu thủy lực năng lượng dưới dạng động năng. Khi động năng đó tác dụng lên bề mặt piston của xy lanh hoặc bề mặt của mặt răng thì nó chuyển hóa thành áp năng để sinh công. Đó là chức năng cơ bản và thông dụng của bơm thủy lực.
Nhưng, một khi năng lượng dầu quay ngược trở lại, tác dụng lên bề mặt răng làm quay bơm ngược lại, thì lúc này nó lại làm việc như một động cơ thủy lực. Động cơ thủy lực là gì thì tôi sẽ trình bày sơ qua cho anh em hiểu.
Tương tự như động cơ điện thì động cơ thủy lực sẽ nhận năng lượng từ một nguồn nào đó giống như động cơ điện nhận năng lượng từ điện năng. Trong trường hợp động cơ thủy lực sẽ nhận năng lượng từ dầu thủy lực. Và tất nhiên, năng lượng dầu thì chỉ có đến từ bơm thủy lực mà thôi.
Động cơ thủy lực nhận năng lượng từ dầu thủy lực do bơm thủy lực cung cấp sẽ làm quay trục động cơ và trục động cơ thủy lực sẽ truyền momen cho vậy thể gắn nối tiếp với nó. Thông thường thì là bánh răng, hoặc trục xe công trình như máy ủi đất, máy cưa, máy cắt đá hay kim loại hạng nặng.
Khác với động cơ điện, động cơ thủy lực mang tới một momen cực lớn và vô địch. Thông thường động cơ thủy lực dùng trong các máy siêu trường siêu trọng, khai thác quặng, mỏ, xây đập hay quay với momen lớn.

dong_co_thuy_luc_banh_rang
Giải thích sơ qua như vậy về động cơ thủy lực để anh em hiểu thêm. Quay trở lại vấn đề thì vừa nhắc đến, khi quá tải, dầu thủy lực tác dụng ngược trở lại bề mặt răng của bơm bánh răng sẽ làm quay trục bơm bánh răng ngược lại. Lúc này bơm thủy lực làm việc như một động cơ thủy lực.
Về lí thuyết thì một động cơ thủy lực có thể làm việc như một bơm thủy lực và ngược lại, một bơm thủy lực có thể làm việc như một động cơ thủy lực. Anh em nên biết điều này.
Tuy nhiên, không hẳn là vậy. Thứ nhất về mặt hiệu suất, do được thiết kế không phải hoạt động ở chế độ hai chiều, trừ khi nhà sản xuất cố tình chế tạo, mà trường hợp này không phổ biến, nên hiệu suất ở chế độ ngược lại thấp hơn nhiều. Ngày còn đi học các thầy ở Bách Khoa nói chứ mình cũng chưa vận hành chế độ hai chiều bao giờ, hiệu suất đạt được ở khoảng 70% so với chế độ chạy thuận.
Song khi quá tải, bơm bánh răng mà không trang bị thêm van một chiều, dầu thủy lực sẽ làm bơm thủy lực chạy ở chế độ bơm thủy lực. Tuy nhiên, phớt thủy lực số 3 vẫn được lắp ở chế độ bơm, không thay đổi, nó sẽ bị thổi bay, tương tự như trường hợp lắp ngược của bơm bánh răng ở chế độ chạy bơm thủy lực. Đó là tai hại của việc quá tải. Lời khuyên cho anh em là nên lắp van một chiều để bảo vệ bơm thủy lực.

Qua_tai_lam_xoan_truc_bom_banh_rang
Tiếp đến việc quá tải sẽ gây xoắn hỏng trục bơm, nhiều khi là xoắn gãy luôn. Trường hợp này xảy ra khi công suất động cơ điện lớn hơn nhiều so với công suất của bơm. Khi bơm làm việc quá tải ở mức cao, nó sẽ có xu hướng quay ngược lại, do áp lực từ phía tải. Momen xoắn tạo ra hai đầu, một do động cơ điện, một do sự quay ngược sẽ xoắn ngược chiều gây hư hại trục. Nặng nề thì sẽ xoắn đứt trục luôn.
Ngoài ra, quá tải cũng có thể gây áp suất phá hủy đỉnh răng, bề mặt răng ăn khớp. Đó là sự phá hủy tải trọng ngay cả với các hệ truyền động bánh răng cơ khí thông thường.

Dinh_rang_bi_hu_hai_trong_bom_banh_rang
1.5.2 Bơm bánh răng quá tải do xy lanh thủy lực kẹt
Nếu như trường hợp bên trên bơm bánh răng bị quá tải do tải trọng thì ở trường hợp này, tôi muốn giới thiệu với anh em một trường hợp quá tải do xy lanh. Đừng hiểu lầm rằng tôi muốn đề cập tới xy lanh phải nâng hạ một tải trọng quá sức mà điều tôi muốn đề cập ở đây chính quá tải áp suất do xy lanh đã đi tới hết hành trình rồi mà van phân phối không tác động để thay đổi trạng thái.

Xy_lanh_thuy_luc_tai_diem_cuoi_hanh_trinh
Để cho tiện trình bày, anh em đọc bài viết dưới đây 2 3 phút trước nhé.
Ok xong rồi chúng ta tiếp tục. Chúng ta biết rằng, sau khi xy lanh di chuyển tới cuối hành trình thì van phân phối sẽ tác động để chuyển trạng thái xy lanh chạy về hoặc nếu có giữ giữ nguyên thì cũng phải chuyển trạng thái để dầu thủy lực từ bơm trở về thùng chứ không tiếp tục bơm vào buồng đẩy.
Chúng ta hiểu với nhau là gì. Bản chất của bơm thủy lực không sinh ra áp suất. Nghe trái ngược hoàn toàn đúng không nào. Về đặc điểm này, tôi dám chắc không một ông thầy nào chú ý cho anh em. Tại sao tôi lại nói bơm thủy lực không sinh ra áp suất?

bom_thuy_luc_khong_sinh_ra_ap_suat_nhu_moi_nguoi_van_nghi
Về nguyên lí hoạt động của bơm bánh răng hay bơm piston cũng vậy cả. Nó chỉ tạo ra các dòng lưu lượng, chuyển động với một vận tốc nhất định tùy thuộc vào công suất bơm. Nó cung cấp cho các dòng lưu lượng đó năng lượng tồn tại dưới dạng động năng. Và, và, anh em chú ý nhé. Khi dòng lưu lượng này bị chặn bởi một vật thể nào đó, nó sẽ dừng lại. Và, và, anh em thật chú ý này.
Khi bị chặn bởi vật thể thì các dòng năng lượng đó vốn dĩ mang năng lượng dưới dạng động năng sẽ chuyển hóa thành áp năng.
Để tôi giải thích cho anh em quá trình sinh công của xy lanh lực cho anh em dễ hiểu .Khi dầu thủy lực được truyền năng lượng từ bơm thủy lực, các dòng lưu lượng này sẽ chuyển động dọc đường dẫn lên bề mặt piston của xy lanh. Vốn dĩ các dòng lưu lượng này không sinh áp suất, nhưng vì bị piston chắn đường nên nó sẽ từ từ tăng áp suất và chuyển hóa thành lực đẩy piston di chuyển dọc xy lanh.
Trong quá trình piston di chuyển thì áp lực sẽ không tăng. Cái này anh em tự hiểu nhé. Còn nếu không hiểu thì đọc bài viết sau nhé.
Như vậy, điều đó giải thích cho chúng ta rằng, nếu như không có vật chắn, hoặc có vật chắn nhưng không đủ lực để kìm hãm động năng của dòng lưu lượng, thì sẽ không sinh ra áp suất. Hay nói cách khác rằng, bơm thủy lực không trực tiếp sinh ra áp suất mà chỉ sinh ra lưu lượng. Còn việc sinh ra áp suất chỉ có thể hiểu rằng, khi có vật chắn, tức là tải, thì khi đó áp suất mới hình thành. Áp suất luôn luôn phụ thuộc vào tải trọng.
Tiếp tục giải thích cho anh em việc quá tải do van phân phối không tác động. Vì một lí do nào đó, là lỗi thiết kế hay do van hỏng mà khi xi lanh chuyển động tới cuối hành trình, van phân phối không hề tác động. Khi đó, do bị bề mặt piston chắn, lúc này áp suất dầu trong khoang bắt đầu tăng và liên tục tăng. Nó tắc tới mức nào đó tới áp suất max của bơm. Lúc này có ba trường hợp sẽ xảy ra.

gioang_phot_xi_lanh_thuy_luc_hong_lam_ro_ri_giua_hai_khoang_xu_lanh
Một là nếu gioăng phớt thủy lực trong xi lanh hoặc bơm không đủ chất lượng để chịu đựng được áp suất phá hủy đó thì sẽ hỏng. Dầu sẽ rò rỉ qua khoang áp thấp hoặc ra ngoài môi trường. Điều này dễ hiểu phải không nào.
Trường hợp thứ hai là đường ống của anh em nếu không chịu được áp suất cao sẽ bị nứt vỡ, không bọc được chất lỏng. Khi đó lư lượng sẽ không bị chắn và sẽ không sinh ra thêm áp suất, mặt khác còn tụt. Lúc này bơm bánh răng của anh em may mắn được bảo vệ.

Qua_Tai_duong_ong_tuy_o_thuy_luc
Trường hợp thứ 3 là bơm bánh răng của anh em hoặc xy lanh sẽ bị hỏng. Trong thường thì điều này cũng ít xảy ra hơn đối với các bơm có chất lượng tốt. Thông thường thì hai trường hợp trên dễ xảy ra hơn. Tuy nhiên cũng rất nhiều khách hàng của tôi đề cập tới vấn đề bơm bị vỡ mà gioăng phớt không hề hấn gì. Đó là bơm tàu nhôm.

Van_an_toan_chong_qua_Tai_he_thong_thuy_luc
Do hậu quả như vậy nên tôi luôn luôn đề nghị khách hàng hay anh em phải lắp thêm van an toàn trong hệ thống. Dù là trạm nguồn to hay nhỏ thì vẫn luôn phải có bởi vì, không chỉ là bảo vệ bơm mà nó còn là sự an toàn cho người vận hành. Anh em nào vận hành hệ thống thủy lực thì cần lưu ý vấn đề này cho mình nhé.
1.5.3 Quá tải nhiệt làm bơm bánh răng bị mài mòn nhanh
Việc hoạt động trong một thời gian dài mà không có biện pháp tỏa nhiệt hợp lí sẽ gây ra sự tăng nhiệt độ hệ thống. Xâm thực, ngoặt ống quá nhiều, quá tải, lượng dầu ít, bẩn chính là các tác nhân làm nhiệt độ tăng lên.
Nhiệt độ tăng khiến cho gioăng phớt thủy lực bị mất khả năng làm kín, nặng thì làm hỏng. Tuy nhiên, cái tôi muốn nhấn mạnh cho anh em không phải ở điểm này vì anh em có lẽ ai cũng biết cả rồi.

Khe_ho_bom_banh_rang_thuy_luc
Khi nhiệt độ tăng cao, sự giãn nở về nhiệt của các chi tiết chính là vấn đề cần lo lắng. Kim loại vốn dĩ khi tăng nhiệt độ sẽ xảy ra hiện tượng giãn nở. Khe hở của bánh răng và vỏ bơm luôn luôn được duy trì ở mức nhất định do nhà sản xuất quy định. Khe hở này thường có kích thước rất rất nhỏ nhằm mục đích triệt tiêu ma sát giữa bề mặt đỉnh răng và vỏ bơm .Tuy nhiên nó cũng phải đủ nhỏ để tránh làm tổn thất chất lỏng.
Nếu như khe hở này giảm quá nhiều do nhiệt độ tăng quá nhiệt, ma sát sẽ sinh ra giữa bề mặt đỉnh răng và vỏ bơm, kết hợp với các mạt sắt do dầu bẩn, nó sẽ gây xước vỏ bơm.
1.6 Xâm thực khiến bơm bánh răng tróc rỗ bề mặt
Xâm thực là hiện tượng khiến cho tất cả các kĩ sư thủy lực phải kinh hãi, ngay cả tôi cũng vậy. Các bong bóng bọt khí nổ tạo ra sức công phá áp lực lớn lên bề mặt răng. Với tần suất hoạt động lớn do số vòng quay cao 1000 vòng trên phút, đó quả là một chế độ làm việc khắc nghiệt đối với bề mặt răng.

Xam_thuc_be_mat_rang_bom_Banh_rang
Bên cạnh đó, khi các bọt khí nổ, chúng sẽ tạo ra các làn sóng dao động liên tục, khiến cho bề mặt răng gặp phải hiện tượng mỏi. Mỏi là hiện tượng bề mặt kim loại bị phá hủy không phải do tải trọng lớn quá sức chịu đựng của vật liệu, không phải sự phá hủy do các chất hóa học mà là do sự thay đổi ứng suất liên tục tác dụng lên bề mặt. Khi đó, bề mặt răng sẽ tự bị phá hủy mà không cần tới một áp lực dầu cao.
Bánh răng trong bơm thủy lực thường được chế tạo bằng thép 45, 50 và nhiệt luyện. Sau khi tôi bề mặt, bánh răng sẽ được mang đi ram để đạt độ cứng tiêu chuẩn là 52 tới 58 HRC đối với các bơm bánh răng làm việc với áp suất thấp, dưới 80 at. Vận tốc đỉnh răng < 3m/s.
Đối với bánh răng có áp suất cao từ hơn 100 at, vận tốc lớn hơn 5m/s thì vật liệu thép chính là thép hợp kim 20X, 40XH, 18XH13A. Chế độ nhiệt luyện xong phải được thấm các bon, thấm nito. Độ cứng đạt được khoảng trên 58- 64 HRC. Trước khi nhiệt luyện, bánh răng sẽ được làm trước một nguyên công lăn răng( hay cà răng) và sau khi nhiệt luyện, các bánh răng sẽ được mài tinh.
Giới thiệu sơ qua để anh em thấy, chất lượng bề mặt răng của bơm bánh răng tốt đến như thế nào mà vẫn bị hỏng do xâm thực. Xâm thực nó quá nghiêm trọng cho dù chất lượng bề mặt có tốt đến như thế nào. Cả nghìn at liên tục và thay đổi liên tục. Sau khi bị hỏng lớp bề mặt vốn có cơ tính tốt do được nhiệt luyện, gia công đạt độ cứng và độ bóng tốt thì quá trình xâm thực sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn. Bơm thủy lực bánh răng của anh em sẽ sớm rung lắc và không lên áp.
1.7 Bơm bánh răng chạy không tải cũng có nguy cơ hỏng
Mỗi bơm thủy lực nói chung và bơm bánh răng nói riêng đều được chạy dưới một vòng quay định mức nhất định. Ngoài đảm bảo về độ rung lắc cho trục và các vòng bi đỡ, nó còn có tác dụng bảo vệ trục và vòng bi khỏi sự phá hủy do ma sát sinh nhiệt.

Hai_vong_bi_lap_do_truc_bom
Anh em để ý ở bơm bánh răng, hai vòng bi đỡ hai trục bánh răng có bề mặt trong tiếp xúc với trục. Lớp tiếp xúc này thường là lớp Teflon. Teflon là nhựa có khả năng chịu nhiệt vô cùng tốt và đặc biệt hơn cả là không kết dính. Điều này mang đến một lợi thế vô cùng lớn trong việc giảm thiểu ma sát giữa trục bánh răng và ổ bi.
Lớp Teflon giúp cho việc ma sát giảm đi đáng kể, khả năng chịu nhiệt lên tới 250 độ C đủ cho thấy khả năng làm việc tốt đến như thế nào.
Thông thường, giữa Teflon và trục của bơm sẽ được bôi trơn một lớp dầu với tốc độ định mức. Lớp dầu bôi trơn này vừa có tác dụng giảm ma sát, vừa có tác dụng tỏa nhiệt. Tuy nhiên, nếu động cơ điện của anh em tốc độ chạy quá cao và bơm thủy lực chạy không tải, khi đó, số vòng quay của bơm sẽ phụ thuộc vào số vòng qua của động cơ điện.
Do quay cùng số vòng quay của động cơ điện nên lớp dầu bôi trơn đó sẽ không được hình thành vì lực ly tâm quá lớn. Khi đó, ma sát sẽ tăng lên nhiều. Không có dầu tỏa nhiệt giữa lớp tiếp xúc của trục bánh răng và lớp Teflon đó cộng thêm thời gian hoạt động dài với số vòng quay động cơ điện sẽ khiến cho nhiệt độ tăng cao nhanh chóng. Điều này làm hư hại tới trục bơm bánh răng cũng như lớp teflon lót.

De_bom_va_truc_bom_hu_hai_do_mat_lop_dau_boi_tron
Việc chạy quá số vòng quay gây mất lớp màng dầu bôi trơn cũng xảy ra tương tự tại lớp tiếp xúc giữa trục của động cơ bánh răng, bơm bánh răng và đế. Tại nơi này, cũng có sự ma sát rất lớn.
Qua phân tích trên, không phải cứ thiết bị nào chạy không tải cũng là tốt.
Ok xong rồi. Trong bài viết này tôi đã bắt bệnh hết cho anh em những hư hỏng thường gặp đối với bơm bánh răng. Hi vọng có thể mang lại chút kiến thức cho anh em về thiết bị quan trọng này. Có gì thắc mắc hay đóng góp, hoặc cần mình viết bài về vấn đề gì, anh em có thể liên hệ trực tiếp qua thông tin dưới đây nhé. Tôi sẽ tích cực hỗ trợ.
Còn chần chừ gì nữa mà không gọi ngay cho chúng tôi để có được sự hài lòng nhất. Với đội ngũ tiến sĩ kỹ sư trẻ năng động trong và ngoài nước trên 5 năm kinh nghiệm hi vọng sẽ mang lại sự lựa chọn tốt nhất cho khách hàng.
Sự cố của các bạn là trách nhiệm của chúng tôi! Gọi ngay đi!