Lựa chọn và lắp đặt cảm biến xi lanh khí nén là một việc làm thường xuyên của các kĩ sư khí nén trong nhà máy. Sau thời gian sử dụng dài, các cảm biến tiệm cận trong xi lanh khí nén bắt đầu hư hỏng do phải làm việc với tần số cao. Trong bài hôm nay, mình sẽ hướng dẫn anh em lựa chọn cũng như giới thiệu cho anh em các kiểu gá đặt của cảm biến trong xi lanh. Let’s go !!!
1. Hướng dẫn lựa chọn cảm biến xi lanh khí nén
Trong bài viết này, anh em sẽ cùng tôi tìm hiểu về cách lựa chọn cảm biến cho xi lanh khí nén của mình để thay thế các cảm biến xi lanh khí nén khi hư hại. Cảm biến là gì, các loại cảm biến trong xi lanh khí nén có những loại nào, nguyên lí hoạt động của từng loại cảm biến xi lanh khí nén ra sao thì mình đã viết rất chi tiết trong bài viết trước. Anh em nào chưa đọc thì có thể tham khảo bài viết dưới đây.
Rồi sau khi đọc xong bài viết trên, anh em bắt tay vào việc luôn thôi.

xi lanh khí nén trong dây chuyền tự động hóa
Thì hầu hết, mà nói tất cả cũng đúng, các xi lanh khí nén thủy lực hiện nay đều được trang bị cảm biến. Máy móc, cơ cấu hiện tại đều tự động hóa hoàn toàn hoặc là chỉ sử dụng chút xíu sức lực con người trong vận hành. Xi lanh khí nén với đặc điểm là dùng trong các hệ thống tự động hóa nên sẽ phải dùng tới các thiết bị phụ trợ để có thể hoạt động độc lập mà cần ít tới sự điều khiển của con người. Để thay đổi được chiều chuyển động khi đi tới cuối hành trình, xi lanh khí nén cần phải được trang bị một thiết bị phát hiện, nhận diện đầu piston chuyển động tới điểm cuối. Thay vì dùng mắt quan sát, chúng ta sẽ dùng cảm biến xi lanh.
Với tần suất hoạt động liên tục nên sau một thời gian, các cảm biến này sẽ bị hư hại. Anh em bảo dưỡng bảo trì trong các nhà máy cần phải lựa chọn mua cảm biến về thay thế.
Đối với những xi lanh khí mua mới, thông thường các nhà cung cấp xi lanh khí sẽ cung cấp luôn cảm biến cho anh em. Anh em không cần quan tâm nhiều lắm, chỉ cần biết đấu nối điện cơ bản là được. Tuy nhiên, nếu như anh em phải thay thế khi cảm biến hư hỏng, việc lựa chọn cảm biến phù hợp với xi lanh khí nén hiện có, là một trở ngại lớn.
1.1 Môi trường hoạt động của cảm biến xi lanh khí nén

Xi lanh trong robot khí nén lắc rung động
Như đã phân tích ưu nhược điểm của từng loại cảm biến xi lanh khí nén thủy lực, cảm biến tiếp điểm là loại được thường xuyên sử dụng do giá thành và hiệu quả mang lại. Tuy vậy, nó nếu xi lanh khí nén của anh em không được cố định chặt( cái này do điều kiện lắp đặt) thì loại cảm biến tiếp điểm này không phải là loại phù hợp.
Tùy thuộc vào ứng dụng và kiểu gá đặt, xi lanh khí nén của anh em có thể phải chịu những đợt rung lắc với tần số lớn. Cảm biến từ xi lanh dị hướng, hoặc cảm biến khổng lồ là sự lựa chọn tốt hơn, do hoạt động không phụ thuộc vào sự di chuyển cơ học.
Đối với xi lanh khí nén đặt gần động cơ điện, từ trường do động cơ sinh ra, có thể sẽ làm nhiễu đi tín hiệu, khiến cảm biến khổng lồ trong xi lanh khí nén tưởng nhầm là từ trường do nam châm vĩnh cửu do sự quá nhạy bén của mình. Bất kì thiết bị nào sinh ra từ tính, dù là cường độ nhỏ, cũng không nên để gần cảm biến loại này. Nếu bắt buộc phải để gần, cảm biến từ tính dị hướng sẽ phù hợp hơn rất nhiều.
Cảm biến trong xi lanh khí nén hoạt động dựa theo hiệu ứng Hall, với đặc điểm là độ nhạy thấp nên anh em cần chú ý. Không phải xi lanh khí nén nào cũng được trang bị nam châm vĩnh cửu tạo ra từ trường mạnh. Hơn nữa, do độ dày của thành xi lanh khí nén, nếu nhà sản xuất cố tình làm dày ống xi lanh để chịu áp, cường độ từ trường do nam châm sinh ra sẽ yếu hơn, cảm biến xi lanh hiệu ứng Hall sẽ không phù hợp.
1.2 Tốc độ của xi lanh khí nén
Tốc độ của xi lanh khí nén nhanh và hành trình nhỏ sẽ dẫn đến tần số hoạt động của cảm biến lớn. Tuổi thọ của cảm biến bị ảnh hưởng là một phần nhưng loại cảm biến nào thích hợp nhất để có thể đáp ứng được yêu cầu hoạt động?

xi lanh khí nén tốc độ cao
Đối với cảm biến tiếp điểm, do nguyên lí hoạt động là dựa trên sự di chuyển tách nhả của tiếp điểm vật lí, nên trong quá trình hoạt động, lực quán tính và lực từ hút sẽ tác động tới vận tốc dịch chuyển tiếp điểm dẫn tới, nhiều khả năng là cảm biến kiểu tiếp sẽ không thể đáp ứng được.
Cảm biến hiệu ứng Hall, cảm biến từ trường dị hướng và cảm biến khổng lồ là 3 loại cảm biến hoạt động dựa trên sự thay đổi điện áp nên tần số hoạt động lớn có thể đáp ứng được. Nếu xi lanh khí nén của anh em có tần số hoạt động lớn, hãy cân nhắc sử dụng 3 loại cảm biến trên.
1.3 Loại đầu ra của cảm biến xi lanh khí nén
Phần này mình chưa đề cập cho anh em ở bài trước nên mình xin bổ sung một chút. Cảm biến xi lanh khí nén hay các loại cảm biến khác, thông thường, đầu xuất tín hiệu sẽ có 3 dây. Anh em mua cảm biến xi lanh khí nén sẽ nhìn thấy rõ.
Thì 3 dây đó sẽ được mắc theo sơ đồ như dưới hình vẽ:

Cảm biến 3 dây
3 dây đầu ra sẽ thuộc vào một trong 2 loại là PNP hoặc NPN. Mình lại xin phép giải thích một chút về nguyên lí hoạt động của từng mạch.
1.3.1 Cảm biến PNP trong xi lanh khí nén

cảm biến từ xi lanh PNP
Đối với mạch PNP, chúng ta sẽ có tất cả 3 dây được bố trí 2 cực dương và 1 cực âm. Chữ PNP trong cảm biến viết tắt từ Positive nghĩa là cực dương, chữ N viết tắt từ Negative nghĩa là cực âm. Như vậy trong mạch của chúng ta sẽ có tất cả 1 cực âm và 2 cực dương.
Bản chất thực ra không phải là 2 cực dương mà là 1 cực dương nối với nguồn 24V trước, một cực để hở kiểu tiếp điểm, chờ thông mạch nối lại với cực dương nên tạm gọi là cực dương. Anh em nhìn hình chắc cũng thấy rõ điều này.

mạch cảm biến PNP
Cảm biến PNP hay những ông kĩ thuật thường gọi là sourcing sensor vì nguồn điện dương chúng đang chờ thông mạch. Anh em để ý tải trên hình vẽ, tải này đang chờ tín hiệu đến để cảm biến PNP thông mạch. Khi đó tải sẽ hoạt động bình thường. Tải ở đây anh em có thể xem như nó đơn giản là tiếp điểm rơ le thôi, đèn sáng khi có tín hiệu, chuông báo khi có vật thể đến gần, tín hiệu xuất cho PLC điều khiển hay quan trọng nhất với anh em thủy lực khí nén mình, đó là van điện từ tác động. Khi cảm biến có tín hiệu từ đến sẽ thông mạch và cấp điện cho van điện từ.
Anh em hiểu bản chất của cảm biến PNP như thế nào rồi chứ. Để cho dễ nhớ mạch của cảm biến PNP, phân biệt được mạch PNP với mạch NPN thì anh em gắn hình dung vào việc nối công tắc cho bóng đèn điện. Dây âm thì nối thông, dây dương thì nối qua công tắc. Khi nào anh em nhấn công tắc, điều này tương tự như khi nào lực từ hút tiếp điểm của cảm biến, thì khi đó đèn sáng, tức là khi đó van điện từ sẽ hoạt động. Rất dễ nhớ phải không nào.
1.3.2 Cảm biến NPN trong xi lanh khí nén

Sơ đồ cảm biến NPN
Tương tự như cảm biến PNP gồm 2 cực dương và 1 cực âm, cảm biến NPN trong xi lanh khí nén có 2 cực âm và một cực dương.
Cảm biến NPN đôi khi cũng được gọi với cái tên là Sinking source vì tiếp điểm của nó đang chờ thông mạch được nối với cực 0V.
Ở trạng thái bình thường, cực + 24 V được nối sẵn, cực âm đang chờ cảm biến thông mạch để xuất tín hiệu. Cảm biến PNP với việc chờ cực + thông mạch được sử dụng rộng rãi hơn loại cảm biến NPN. Lí do là vì mục đích an toàn nên người ta luôn muốn cách ly cực + ra khỏi thiết bị. Cảm biến NPN chỉ được sử dụng khi trong những tình huống môi trường bắt buộc không được xuất hiện tia lửa điện.
Giải thích kĩ hơn cho anh em hiểu phần này. Nếu anh em đấu cực dương là cực chờ thông mạch tức là cực dương chính là tiếp điểm trong cảm biến thì khi đó, rất dễ xảy ra tia lửa điện. Nếu anh em đã từng học môn Khí cụ điện của thầy Trần Văn Chới hoặc có kinh nghiệm lâu năm trong ngành điện, ắt hẳn anh em sẽ biết điều này.
Ngoài lề một chút, anh em nào muốn theo ngành thủy lực khí nén thì hãy đọc cuốn sách Khí cụ điện này nhé. Hoặc nếu anh em nào còn là sinh viên, nhớ đăng kí học tự do môn này. Ngày trước thầy Nguyễn Văn Ánh ở bộ môn Thiết bị điện điện tử – Viện Điện – Đại học Bách Khoa Hà Nội giảng dạy môn này rất tốt. Hãy đọc và học khí cụ điện để áp dụng cơ bản trong đấu nối điện thủy lực.

Sách Khí cụ điện
Quay trở lại với bài, tia lửa điện được sinh ra khi các tiếp điểm của mạch đang tách rời. Nói như vậy thì nếu như các tiếp điểm trong quá trình tách nhau sẽ có khả năng xuất hiện tia lửa điện. Điều này là cấm kị đối với những hệ thống chống cháy nổ như trạm xăng dầu, vật liệu dễ cháy.
1.4 Kiểu lắp đặt của cảm biến xi lanh khí nén

Các loại xi lanh khí nén
Kiểu lắp đặt của cảm biến trên thân xi lanh là điều anh em phải chú ý. Theo tiêu chuẩn thì chúng ta có hai loại xi lanh phổ biến là xi lanh tròn và xi lanh vuông. Xi lanh vuông thường sẽ được sản xuất khe rãnh để gắn cảm biến vào, anh em hãy lựa chọn cảm biến có kích thước vừa vặn với khe xi lanh khí nén.
Đối với xi lanh tròn, nếu kết cấu có 4 gu lông thì anh em hãy lựa chọn cảm biến có thể gắn vào gu lông. Nếu như xi lanh tròn không có gu lông, anh em có thể sử dụng vòng lá thép mỏng. Giới thiệu sơ qua cho anh em biết vậy thôi vì ở phần 2 tiếp theo, mình sẽ trình bày chi tiết các kiểu lắp đặt cảm biến xi lanh khí nén.
2. Các kiểu lắp đặt cảm biến trong xi lanh khí nén
Trong thực tế, có rất nhiều hình thể của xi lanh khác nhau biến thể từ các tiêu chuẩn ISO của xi lanh khí nén. Theo đó, chúng ta có 3 tiêu chuẩn về xi lanh khí nén là:
- Xi lanh khí tròn tiêu chuẩn ISO 6432
- Xi lanh khí vuông tiêu chuẩn ISO 15552
- Xi lanh khí compact tiêu chuẩn ISO 21287

Các loại Xi lanh tiêu chuẩn ISO
Xi lanh khí nén vuông có gu lông, xi lanh khí nén vuông không có gu lông , xi lanh khí nén tròn trơn, xi lanh khí nén tròn có gu lông, xi lanh khí nén mini ngắn compact, xi lanh khí nén nhiều cần là những biến thể từ các loại xi lanh khí nén tiêu chuẩn ISO bên trên.
Chúng ta đang đi tìm hiểu về cảm biến và cách lắp đặt cảm biến trên xi lanh khí nén nên chúng ta sẽ không đi chi tiết về các loại xi lanh khí đó. Chúng tuy nhiều biến thể xong tựu chung lại, sẽ có 4 kiểu lắp đặt cảm biến trong xi lanh khí nén là kiểu lắp cảm biến trên xi lanh tròn trơn, kiểu lắp cảm biến trên xi lanh tròn có gu lông, kiểu lắp cảm biến trên xi lanh vuông khe tiêu chuẩn, kiểu lắp cảm biến trên xi lanh khe rộng.
2.1 Lắp đặt cảm biến xi lanh khí nén tròn tiêu chuẩn ISO 6432
2.1.1 Cảm biến trên xi lanh khí nén tròn trơn
Hai biến thể mà chúng ta thường gặp đối với xi lanh khí nén tiêu chuẩn Iso 6432 là kiểu tròn trơn và kiểu tròn có gu lông bên cạnh.

Cảm biến trên xi lanh tròn trơn
Kiểu xi lanh khí nén tròn trơn có kết cấu thiếu chắc chắn, chịu áp không cao và hành trình xi lanh nhỏ. Loại xi lanh khí nén này rẻ tiền và thường hoạt động trong hệ thống áp suất thấp, không quan trọng.
Vì trên thân xi lanh khí nén tròn trơn không có rãnh, không có gu lông nên việc lắp đặt cảm biến lên loại xi lanh này thường phải nhờ đến sự trợ giúp của vòng thép thít. Cảm biến anh em mua cũng cần phải có quai sau để vòng thép thít này có thể vòng qua để ôm lấy thân xi lanh. Như đã nói ở trên, loại xi lanh này không chắc chắn nếu gá đặt thông thường.
Để tăng khả năng chắc chắn, anh em có thể dùng kiểu gá đặt xi lanh với đế ở hai đầu. Giới thiệu thêm cho anh em biết để anh em có thể lựa chọn nhiều hơn cho ứng dụng của mình.
2.1.2 Cảm biến trên xi lanh khí nén gu lông

Cảm biến trên xi lanh tròn có gu lông
Đây là loại xi lanh khí nén có kết cấu chắc chắn và được sử dụng rộng rãi trong những ứng dụng cần áp suất cao, lực đẩy lớn. Việc trang bị 4 gu lông bên cạnh sẽ cố định tốt hai bề mặt nắp. Gu lông là gì thì anh em cơ khí biết rõ rồi phải không nào.
Cảm biến lắp cho loại xi lanh khí nén này sẽ được điều chỉnh dọc theo gu lông. Chi tiết anh em xem hình ảnh dưới đây.
2.2 Lắp đặt cảm biến xi lanh khí nén vuông tiêu chuẩn ISO 15552
2.2.1 Xi lanh khí nén vuông

Cảm biến trên rãnh xi lanh vuông
Xi lanh khí nén vuông loại đầu tiên không có gu lông nhưng được trang bị rãnh. Khe rãnh nhỏ dọc thân được chế tạo có kích thước phù hợp cho việc lắp đặt cảm biến dọc thân. Các nhà sản xuất xi lanh khí nén thông thường sẽ luôn dựa vào kích thước của cảm biến để gia công rãnh mang tính công nghệ thuận tiện cho việc lắp đặt cảm biến sau này.
Sau khi đưa cảm biến vào chính xác vị trí trên thân xi lanh, anh em hãy xoay cảm biến nghiêng đi một góc 90 độ và vặn vít, cảm biến sẽ được cố định một cách chắc chắn trên thân xi lanh
Trong trường hợp rãnh to hơn cảm biến, anh em sẽ cần mua thêm tấm đế lót như hình vẽ dưới đây để có thể cố định chắc chắn cảm biến.

Cảm biến trên xi lanh khí nén
Anh em lưu ý rằng, cảm biến cần phải được lắp đặt chắc chắn để có thể hoạt động đúng. Hãy lưu ý không được lắp cảm biến tại vị trí sát nắp xi lanh, vì nam châm vĩnh cửu trên quả piston thường được lắp ở giữa. Vì thế, khi quả piston di chuyển tới điểm cuối cùng của hành trình, nam châm sẽ không thể tới sát được cảm biến. Hậu quả này sinh ra từ trường tín hiệu yếu cho cảm biến. Nếu nam châm có từ trường yếu, hoặc cảm biến có độ nhạy thấp thì nhiều khả năng cảm biến sẽ không nhận được và xuất được tín hiệu trả lại cho bộ điều khiển.
2.2.2 Xi lanh khí nén vuông có gu lông

Cảm biến trên xi lanh khí nén vuông có gu lông
Loại xi lanh vuông này có đặc điểm lắp cảm biến tương tự như xi lanh khí nén tròn tiêu chuẩn ISO 6432 loại có gu lông. Cảm biến được lắp trên gu lông có thể điều chỉnh dọc theo thanh gu lông.
2.3 Lắp đặt cảm biến xi lanh khí nén mini tiêu chuẩn ISO 21287
Loại xi lanh khí nén nhỏ này thường được dùng trong những cơ cấu cần thay đổi vị trí một khoảng nhỏ. Cảm biến lắp trên thân cũng thuộc loại mini nên anh em cũng cần lựa chọn cho phù hợp.
Đây là hình ảnh tham khảo cho cảm biến trên thân xi lanh khí nén mini.

Một số loại xi lanh mini
3. Hướng dẫn đấu nối cảm biến xi lanh khí nén
3.1 Giới thiệu về bộ lập trình logic PLC

PLC S7 1200
Cảm biến có cấu tạo gồm 2 phần chính, phần thu tín hiệu và phần truyền tín hiệu.
Phần thu tín hiệu của cảm biến chính là các điểm điểm trong cảm biến tiếp điểm, là tấm bán dẫn trong cảm biến khối… Nó có chức năng tạo ra sự thông mạch khi có sự thay đổi hoặc nhận biết được sự tồn tại của tác nhân gây ra tín hiệu như nam châm vĩnh cửu trên quả piston.
Phần truyền tín hiệu của cảm biến chính là phần dây tín hiệu để truyền về bộ xử lí hoặc thông mạch giúp đèn sáng, chuông kêu…
Hình ảnh dưới đây là phần hướng dẫn đấu nối cảm biến với PLC
PLC( Programmable Logic Controller) là một bộ điều khiển chương trình chạy của hệ thống điện, thủy lực, khí nén dựa trên quy trình thực hiện: Tín hiệu vào, xử lí và tín hiệu ra.
Tản mạn với anh em chút về bộ điều khiển PLC chút để anh em có kiến thức về phần này nhé. Dân thủy lực khí nén mà thiếu phần này thì không khác gì xe máy điện cả. Đi nhưng không nhanh, không khỏe.
PLC lúc đầu sinh ra là để thay thế các rơ le trung gian điện vốn hoạt động kém tin cậy, rườm rà, nhanh hỏng, bất tiện khi thay đổi chương trình. Hệ thống rơ le tỏ ra rất thiếu hiệu quả trong những hệ thống thủy lực khí nén tự động hóa.
Anh em cứ hình hình dung thế này, bây giờ nếu anh em muốn thiết kế lại hay bổ sung một vài thiết bị vào hệ thống, anh em sẽ phải đấu nối dây, tháo cắt loại bỏ, đôi khi là loại bỏ tất cả các cuộn dây loằng ngoằng vướng víu. Hệ thống tự động hóa có hàng trăm thiết bị, dây điện đấu nối rối tung, tìm được sửa chữa hay quản lí là một vấn đề rất lớn.

Tủ điện với lượng rơ le tiếp điểm nhiều
Thời gian thi công tìm đúng loại dây thiết bị để loại bỏ và thay thế nhiều. Chưa kể, các rơ le trung gian lại có tuổi thọ thấp khi hoạt động với tần suất lớn. Sự tách rời các tiếp điểm vật lí tần suất lớn liên tục trong thời gian dài là nguyên nhân gây hư hỏng rơ le và nếu chúng ta có quá nhiều rơ le cùng hoạt động, anh em sẽ phải dừng hệ thống thường xuyên để có thể bảo dưỡng, thay thế. Điều này là bất khả thi.
PLC ra đời để khắc phục nhược điểm đó. Độ tin cậy cao trong công nghiệp do được thiết kế để làm việc trong các nhà máy. Sử dụng chương trình lập trình trên phần mềm rồi nạp chương trình vào phần cứng mang lại hiệu quả cao về thời gian và tiền bạc cho các kĩ sư thiết kế hệ thống tự động hóa.
Lúc đầu, PLC ra đời với tên là bộ điều khiển logic có khả năng lập trình được. Tín hiệu vào ra chỉ là các tín hiệu logic thông thường. Qua thời gian, bộ điều khiển logic PLC đã dần được cải tiến từ plc s7 200, plc s7 300, plc s7 400, plc s7 1200, plc s7 1500 đối với các dòng PLc của hãng Siemen. Còn một vài hãng PLC khác như plc mitsubishi, plc plc omron, plc plc schneider…
Bộ điều khiển PLC hiện tại không chỉ là còn tín hiệu logic nữa mà đã có những mô đun mở rộng cả tín hiệu analog nữa. Anh em có thể tham khảo thêm ở các trang mạng khác nhé.

PLC là công cụ mạnh mẽ trong tự động hóa xi lanh
Với điểm mạnh của PLC là lập trình các tín hiệu logic, xi lanh khí nén của anh em rất thân thiện với bộ điều khiển này. Xi lanh khí nén của chúng ta với thay đổi chiều chuyển động bằng việc thay đổi trạng thái của van khí nén. Tín hiệu thay đổi trạng thái của van khí nén chính là tính hiệu logic. Để van có thể tác động, cảm biến cần thu được tín hiệu khi piston đi tới cuối hành trình và truyền về bộ xử lí trung tâm của PLC. Khi đó PLC sẽ xuất tín hiệu cho van chuyển trạng thái theo chương trình lập trình. Cảm biến, xi lanh khí nén, van khí nén là những thiết bị gắn bó với PLC như anh em một nhà.
Trong công nghiệp thủy lực khí nén, PLC được sử dụng rất nhiều cho việc nhận và điều khiển xi lanh theo tín hiệu logic. Trong những kĩ thuật cao, tín hiệu analog từ cảm biến cũng được PLC xử lí và việc xuất tín hiệu analog ra ngoài để mở cửa van analog cũng được áp dụng. Mục đích của việc áp dụng tín hiệu analog vào cảm biến, van khí nén là để có được vị trí dừng chính xác của xi lanh khí tại bất kì vị trí nào chứ không hẳn là vị trí đầu cuối như xi lanh thông thường. Anh em có thể tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm việc điều khiển chính xác vị trí xi lanh.
3.2 Đấu nối cảm biến 3 dây PNP cho xi lanh khí nén
3.2.1 Đấu nối cảm biến cho mạch rơ le- contactor
Anh em xem hình ảnh trước.

hướng dẫn đấu cảm biến PNP với contactor
Nhìn vào hình ảnh, anh em có thể thấy được cách nối cảm biến xi lanh khí nén với rơ le điều khiển như thế nào. Một chân của cảm biến anh em hãy nối vào cực 24 V của nguồn. Nguồn 24 V thì anh em có thể mua ngoài cửa hàng điện tử nhé. Một chân anh em nối vào cực 0V. Dây còn lại, anh em nối với cực dương của rơle hoặc contactor

3 dây của cảm biến tiệm cận
Anh em hãy chuẩn bị thêm một đoạn dây nữa để nối một đầu còn lại của rơ le contactor với nguồn 0V. Khi đầu piston đi tới gần cảm biến, từ trường tạo ra sẽ nối liền mạch của cảm biến lại, rơ le hoặc contactor được cung cấp điện vào cuộn hút, nối thông mạch rơ le hoặc contactor để xuất tín hiệu đầu ra cho van khí nén thay đổi trạng thái van. Xi lanh khí nén sẽ thay đổi trạng thái hoạt động ngay tức thì. Đó là cách đấu nối và nguyên lí hoạt động của cảm biến PNP.
3.2.2 Đấu nối cảm biến xi lanh khí nén với PLC

Đấu cảm biến PNP với PLC
Đấu nối cảm biến xi lanh khí nén với PLC cũng tương tự như đấu nối với rơ le và khởi động từ contactor vì bản chất, bộ lập trình logic PLC được xây dựng dựa trên nguyên lí của rơ le. Dưới đây là hình ảnh đấu nối cảm biến xi lanh khí nén với bộ điều khiển PLC.
Anh em đấu nối 3 dây của cảm biến xi lanh khí nén vào lần lượt PLC theo cực 0 V, 24V, và một tiếp điểm vào I0.x nhé. Tiếp điểm I0.x có thể là I0.0, I0.1, I0.2 …. miễn là tín hiệu cổng vào là ok. Sau đó, vì là cảm biến sourcing sensor nên anh em sẽ phải đấu nối dây âm từ cảm biến với nguồn âm 24V với nguồn âm của PLC nhé. Anh em chú ý nối đúng chân nhé.
3.3 Đấu nối cảm biến 3 dây NPN cho xi lanh khí nén
3.3.1 Đấu nối cảm biến cho mạch rơ le- contactor

hướng dẫn đấu cảm biến NPN với contactor
Mạch cảm biến NPN với đặc điểm là 2 dây âm và một dây dương. Dây + của cảm biến xi lanh khí nén đầu tiên anh em sẽ đấu với nguồn. Dây âm anh em sẽ đấu nối với cực 0V còn lại trong bộ nguồn. Dây còn lại của cảm biến, anh em hãy đấu vào chân âm của rơ le hay khởi động từ contactor nhé.
Chân dương của rơ le anh em hãy đấu vào chân dương của nguồn. Khi đầu piston của xi lanh khí nén mang nam châm vĩnh cửu tới, cảm biến sẽ thông mạch dưới tác dụng của từ trường, ro le hoặc khởi động từ sẽ được cấp điện, van điện từ khí nén của anh em sẽ được cấp điện để thay đổi trạng thái.
3.3.2 Đấu nối cảm biến xi lanh khí nén với PLC

đấu nối cảm biến NPN với PLC
Anh em đấu nối 3 chân của cảm biến xi lanh khí nén với PLC tương tự như cảm biến của PNP. Sau đó anh em cần phải chú ý, do kiểu cảm biến loại NPN sinking source, nên anh em sẽ đấu chân dương từ cảm biến vào chân âm của PLC nhé. Nó ngược lại so với loại cảm biến PNP là chân âm của cảm biến đấu vào chân âm của PLC. Anh em chú ý khác nhau ở đặc điểm này, đấu sai hậu quả thế nào anh em tự biết nhé.
Đến đây có lẽ mình xin dừng bài viết về việc lựa chọn cảm biến và lắp đặt cảm biến xi lanh khí nén. Hi vọng anh em đã hiểu và biết cách đấu nối cảm biến với xi lanh khí nén. Công việc phải thực hiện thường xuyên nên nếu chưa hiểu thì anh em xem lại lần 2 nhé. Done!
Anh em có nhu cầu mua cảm biến xi lanh khí nén, xi lanh khí nén, khởi động từ hay tất tần tật các thiết bị khí nén thủy lực hoặc cần thiết kế mạch điều khiển thì cứ liên hệ.
Còn chần chừ gì nữa mà không gọi ngay cho chúng tôi để có được sự hài lòng nhất. Với đội ngũ tiến sĩ kỹ sư trẻ năng động trong và ngoài nước trên 5 năm kinh nghiệm hi vọng sẽ mang lại sự lựa chọn tốt nhất cho khách hàng.
Sự cố của các bạn là trách nhiệm của chúng tôi! Gọi ngay đi!