Không chỉ riêng bơm thủy lực piston trục thẳng, bơm piston trục cong, bơm thủy lực bánh răng, bơm cánh gạt mà các đến ngay cả máy bơm ly tâm, máy bơm hướng trục dùng trong sinh hoạt gia đình hay bơm nước thải cũng vẫn bị xâm thực làm hỏng bề mặt kim loại. Xâm thực trong các loại bơm thủy lực, bơm cánh dẫn là loại hư hỏng nghiêm trọng nhất trong các loại hư hỏng thường gặp đối với bơm.
1. Hiện tượng xâm thực là gì
1.1 Giải thích hiện tượng xâm thực theo sách
Trong ngành cơ học chất lỏng, một hiện tượng khiến tất cả các nhà khoa học đau đầu giải quyết và khắc phục chính là hiện tượng xâm thực. Xâm thực là một hiện tượng gặp thường xuyên trong các dạng hỏng của các thiết bị thủy lực. Tuy vậy, không phải ai cũng nhận biết được hiện tượng xâm thực và hậu quả của nó đối với hệ thống của mình.
Xâm thực là một hiện tượng đặc trưng và gắn liền với ngành máy thủy lực thể tích và máy thủy lực cánh dẫn. Các loại bơm piston, bơm bánh răng, bơm cánh gạt được gọi chung là máy thủy lực thể tích. Máy bơm ly tâm, bơm hướng trục là máy cánh dẫn. Để có thể hiểu rõ hơn, anh em đọc lướt cho tôi bài viết sau đây trước đã:
Anh em phải đọc trước khi đọc tiếp phần sau để lát nữa tôi nói anh em dễ hiểu hơn nhé.
Chúng ta chỉ có thể nhận biết và phải chấp nhận sống chung xâm thực mà không có cách nào khác. Cho đến nay, vẫn chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu đầy đủ rõ ràng về hiện tượng nan giải xâm thực cả. Mọi nghiên cứu, giải pháp chỉ có thể làm giảm các thiệt hại do xâm thực gây ra chứ không có cách nào khắc phục triệt để. Tuy vậy, việc nghiên cứu và đưa ra giải pháp vẫn luôn được xem xét trong thiết kế máy và vận hành.
Review cho anh em về khái niệm xâm thực chuẩn được viết trong giáo trình Máy thủy khí cánh dẫn- Bơm ly tâm và bơm hướng trục của Phó giáo, sư tiến sĩ Hoàng Thị Bích Ngọc- Bộ môn máy và Tự động thủy khí, Viện Cơ khí động lực, Đại học Bách Khoa Hà Nội. Xâm thực là hiện tượng xuất hiện các bọt hơi trong dòng chất lỏng do nguyên nhân giảm áp suất tới một giá trị tới hạn nào đó. Thông thường áp suất tới hạn đó là áp suất hơi bão hòa. Các bọt khí này chuyển động vào vùng có áp suất thấp hơn hoặc áp suất hơi cao hơn làm thay đổi hình dạng, lớn lên hoặc bé đi hoặc là bị nổ. Khi nổ, các bọt khí này sẽ luôn đi kèm với sự dao động các thông số dòng và sự phá hủy vật liệu tùy thuộc vào các mức độ khác nhau.

Sách chuyên ngành máy thủy khí
1.2 Giải thích hiện tượng xâm thực một cách dễ hiểu
1.2.1 Giải thích hiện tượng tạo bọt trong chất lỏng
Trên đây là khái niệm trong sách, mình sẽ giải thích kĩ hơn cho anh em hiểu.
Các anh em cứ hiểu nôm na thế này. Trong quá trình máy bơm( cả bơm thủy lực lẫn cánh dẫn nhé) hoạt động, thì kể cả môi chất của bơm có là dầu thủy lực hay là nước thì sẽ luôn luôn xuất hiện các bọt khí. Mình nhấn mạnh là luôn luôn xuất hiện bọt khí nhé.

Bot_dau_thuy_luc
Nguyên nhân xuất hiện bọt khí trong dầu thủy lực hay nước được giải thích dựa trên lí thuyết kỹ thuật nhiệt của Phó Giáo Sư Tiến sĩ Hà Mạnh Thư và Phó Giáo Sư Tiến sĩ Bùi Hải giảng dạy tại Đại Học Bách Khoa Hà Nội. Đoạn này hơi sách vở xíu nên anh em thông cảm nhé. Mình sẽ giải thích dễ hiểu nhất cho anh em.

Kỹ thuật nhiệt
Chất lỏng của chúng ta, bao gồm dầu thủy lực, nước hoặc hơi, không khí, tuy tồn tại ở các thể khác nhau, song đều được quy về là chất lỏng. Chất lỏng ở các thể này tùy thuộc vào áp suất và nhiệt độ khác nhau. Tức là, ở nhiệt độ và áp suất nhất định thì chất lỏng sẽ tồn tại ở thể lỏng nước, hơi hay khí. Tôi nói anh em dễ hiểu không. :V :V :V
Trong hai trạng thái hơi và lỏng nước, sẽ có một ranh giới mà ở đó, chỉ cần có một xíu thay đổi, chất lỏng nước sẽ chuyển hóa thành hơi hoặc ngược lại, hơi sẽ ngưng tụ thành chất lỏng nước. Áp suất tại điểm ranh giới đó người ta gọi là áp suất hơi bão hòa. Anh em nào từng học kỹ thuật nhiệt thì sẽ được các thầy giải thích rõ điều này.
Tuy nhiên, mình sẽ lại làm đơn giản cho anh em nào chưa từng học cũng sẽ hiểu hết nội dung. Áp suất hơi bão hòa chính là áp suất tại cái ranh giới mỏng manh đó. Giả sử bây giờ giữa mùa hè nóng nực, anh em đang đi trên sa mạc mà không mang nước. Lúc đó bất chợt gặp một cái bình kín có vòi chứa đầy hơi nước bên trong. Tuy nhiên đó là hơi nước chứ không phải nước nên anh em dù có há miệng và vặn vòi cũng không thể hứng được giọt nước nào. Áp suất trong bình lúc này đang ổn định tại một giá trị nào đó. Lúc đó nếu như tôi có một cái ống, tôi thổi hơi nước vào trong cái bình đó. Tôi thổi mãi, thổi mãi, tới khi nào mà, tôi thổi mà nước rơi xuống, anh em có nước nhỏ giọt uống thì khi đó, áp suất trong bình chính là áp suất hơi bão hòa.
Ví dụ dễ hiểu phải không nào. Tương tự như vậy, theo chiều ngược lại, nếu như tại áp suất nào đó mà chất lỏng nước, bốc hơi tạo thành hơi nước bay lên, thì đó cũng là áp suất hơi bão hòa. Hơi đó tạo thành bọt khí mà mình đã đề cập bên trên.

Hoi_nuoc_tai_ap_suat_hoi_bao_hoa
Áp suất hơi bão hòa có giá trị khác nhau tại các nhiệt độ khác nhau và nó phụ thuộc vào nhiệt độ. Dưới đây là bảng giá trị áp suất hơi bão hòa phụ thuộc vào nhiệt độ.
Nhiệt độ( C) 0 5 10 20 30 40 50 60 70 80 90 100 120
P bão hòa/ɣ 0.06 0.09 0.12 0.24 0.43 0.72 1.26 2.03 3.18 4.83 7.15 10.33 20.2
1.2.2 Giải thích hiện tượng xâm thực trong bơm, quạt

Xam_thuc_trong_bom_quat_ly_tam
Khi chất lỏng lưu thông trong hệ thống thủy lực hay trong các buồng hút, buồng đẩy hay buồng xả thì nếu tại một nơi nào đó, áp suất giảm tới áp suất hơi bão hòa thì khi đó, chất lỏng sẽ chuyển sang trạng thái khí hòa lẫn hình thành bọt khí và các phần tử khí có sẵn( tồn tại trước đó do bị hòa tan hay con đường trung gian nào đó) cũng sẵn sàng tách ra khỏi chất lỏng. Đây là giai đoạn 1 của quá trình xâm thực.
Nguyên nhân thì bên trên mình có nói là áp suất chất lỏng giảm xuống bằng áp suất hơi bão hòa nên chất lỏng bay hơi, tạo thành bọt khí. Đó là việc giải thích theo cơ sở lí thuyết. Về mặt nguyên nhân thực tế, có một vài điểm như sau.
Thứ nhất, trong chất lỏng, bao gồm cả nước và dầu thủy lực, đã có sẵn bọt khí. Điều này thì quá dễ hiểu rồi phải không anh em. Nhất là nước thải, bọt khí rất nhiều.
Điểm thứ hai, chính là trong chất lỏng, bao gồm nước và dầu thủy lực, chúng có sẵn các chất dễ dàng chuyển hóa, biến thành chất khí. Khi gặp điều kiện thuận lợi, tạo thành khí sủi bọt, thoát ra ngoài. Đây được coi như là mầm mống của bọt khí, nguy cơ tiềm tàng của xâm thực.
Điểm thứ ba mà tôi muốn anh em chú ý là do bơm thủy lực của chúng ta bị ” bỏ đói“. Có thể là do bộ lọc phía đường ống hút bị bụi bẩn tắc do lâu ngày không vệ sinh bộ lọc. Cũng có thể do chất lượng nước hay dầu quá bẩn. Ngoài ra khi máy bơm nước hay bơm dầu thủy lực còn bị ” bỏ đói” khi nguồn cấp không đủ.

Can_phai_ve_sinh_thuong_xuyen_bo_loc
Hiện tượng không cấp đủ chất lỏng cho bơm hoạt động rất nguy hiểm.Bơm sẽ chạy không tải, hút khí khô, nếu không pháp hiện tắt kịp thời, bơm sẽ bị cháy.
Nguyên nhân thứ tư làm xuất hiện bọt khí đến từ đường hút. Trên đường hút, nếu như có bất kì vết nứt nào hay lỗ thủng nào với kích thước nhỏ cỡ micro mà mắt thường không nhìn thấy được sẽ trở thành một nguồn khí hút. Bơm thủy lực sẽ hút không khí vào hòa lẫn với dầu sẽ tạo ra bọt khí, là mầm mống sau này gây xâm thực.
Điểm thứ năm về nguyên nhân gây xuất hiện bọt khí làm xâm thực bơm chính là áp suất xả của các loại bơm là quá cao. Áp suất trên đường ống xả cao làm chậm quá trình chất lỏng thoát ra ngoài. Môi chất bị ứ đọng lại và nhiều khả năng sẽ chảy ngược lại, chạy quẩn trong bơm, tạo ra các dòng thủy lưu va đập. Các dòng thủy lưu này chuyển động sát vào khe hở giữa bánh công tác của bơm và vỏ bơm tạo hiệu ứng chân không gây tạo bọt khí. Khi bóng khí nổ, làn sóng xung kích tạo ra phá hủy nặng nề vỏ bơm và bề mặt bánh công tác. Hơn thế nữa, nó còn làm rung lắc bơm mạnh.

Bot_khi_tach_ra_khoi_Chat_long
Khi hình thành bọt khí thì do chất lỏng chuyển động liên tục nên sẽ di chuyển qua mọi vùng, vùng áp suất thấp hay vùng áp suất cao. Vùng áp suất thấp chính là tại cửa hút hay cửa xả đối với các loại bơm thể tích như bơm piston, bơm bánh răng, bơm cánh gạt. Còn đối với bơm cánh dẫn thì đó là phần bụng cánh. Vùng áp suất cao chính là tại cửa đẩy, hoặc trong khoang ép của xi lanh thủy lực đối với hệ thống thủy lực của máy thể tích, còn đối với máy cánh dẫn thì đó là phần lưng cánh.

Phan_lung_canh_xuat_hien_nhieu_bot_khi
Khi các bọt khí này chuyển động tới các vùng có áp suất cao hơn, do áp suất trong bọt khí nhỏ hơn áp suất bên ngoài, nên sẽ xảy ra hiện tượng né ngưng tụ đột ngột. Khi bị nén như vậy thì thể tích bọt khí sẽ giảm đi rất nhiều, để lộ ra nhiều khoảng trống.

Qua_trinh_bong_khi_no_xam_thuc
Các phần tử chất lỏng khác nhanh chóng điền đầy vào khoảng trống đó với vận tốc rất lớn. Chúng” xô xát” nhau tạo nên lực va đập rất lớn. Sau quá trình va đập, các phần tử chất lỏng chuyển hết động năng thành áp năng, áp năng hình thành tại chỗ va đạp vô cùng lớn. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Liên Xô cũ, áp suất tại đây lên tới hàng ngàn at, vô cùng lớn. Đây là giai đoạn 2 của quá trình xâm thực.
Làn sóng xung kích do bọt khí nổ tạo ra sự phá hủy hết sức ghê gớm, nhất là đối với các bề mặt kim loại không có chất lượng gia công tốt, không được phủ kim loại nhiều.

Hu_hong_do_bi_ban_pha_ap_suat_cao
Khi các bọt hơi và khí ngưng tụ, không chỉ có áp suất tại đó tăng mà ngay đến cả nhiệt độ cũng tăng lên rất nhiều. Bằng thực nghiệm, người ta đã xác định được rằng, nhiệt độ tại nơi bọt khí và hơi ngưng tụ lên tới 230 độ C. Cao hơn 4 đến 5 lần nhiệt độ của dầu thủy lực làm việc lúc bình thường.
Áp suất va đập tăng lên đột ngột tại nơi xảy ra va đập và sự giãn nở của các bọt khí và hơi gây nên dao động đàn hồi các phần tử chất lỏng xung quanh với tần số âm thanh.
2. Tác hại của hiện tượng xâm thực trong bơm thủy lực
Như đã đề cập ở trên, các bọt khí di chuyển qua các vùng áp suất khác nhau thì sẽ lớn lên hay nhỏ đi. Khi chuyển động qua các vùng áp suất cao, các bọt khí sẽ bị áp suất bên nén lại do chênh lệch áp suất giữa trong lòng bọt khí và áp suất bên ngoài. Hiện tượng này tương tự như việc chúng ta bóp vỏ hộp sữa sau khi uống xong. Khi bị nén lại thì do áp suất chênh lệch cao, khi tới ngưỡng tới hạn thì gây hiện tượng bọt khí nổ. Hiện tượng nổ bọt khí làm các phần tử chất lỏng chuyển động với vận tốc vô cùng lớn.
Các phần tử chất lỏng này hình thành các tia bắn phá bề mặt kim loại như cánh bơm, bề mặt piston hay nòng xy lanh, gây tróc rỗ bề mặt. Bên cạnh việc bị bắn phá do nguồn động năng lớn chuyển hóa thành áp năng lên tới hàng ngàn at, bề mặt kim loại cũng bị các dao động tần số âm thanh phá hủy nhanh.

Song_xung_kich_pha_huy_be_mat_kim_loai
Các kim loại giòn có xu hướng bị phá hủy nhanh hơn các kim loại dẻo. Nếu như bề mặt trơn, nhẵn, độ nhám thấp sẽ giúp cho quá trình phá hủy do hiện tượng xâm thực diễn ra chậm hơn. Các bề mặt kim loại gồ ghề, độ nhám cao có xu hướng hấp thụ tất cả các dao động nên sẽ bị tàn phá nặng nề hơn. Do vậy, sau khi bị bong tróc lớp kim loại bề mặt, quá trình xâm thực trong chất lỏng đối với bề mặt kim loại sẽ diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, cánh bơm ly tâm, bơm hướng trục hay bề mặt piston xi lanh thủy lực thường không chỉ bị phá hủy bởi riêng áp lực, vận tốc cao bắn phá mà còn bị phá hủy bởi hiện tượng hóa học. Tác dụng hóa học gây nên gây nên bởi oxy trong không khí tách ra từ chất lỏng và hiện tượng có tính điện phân thúc đẩy nhanh quá trình phá hủy bề mặt.

Dia_phan_phoi_trong_bom_piston_bi_pha_huy_do_xam_thuc
3. Dấu hiệu nhận biết bơm bị xâm thực
Bơm thủy lực khi bị xâm thực sẽ có những biểu hiện rất rõ ràng, chỉ cần nhìn và nghe là thấy. Dấu hiệu đầu tiên là máy bơm nước ly tâm sinh hoạt gia đình bạn, máy bơm nước thải, máy bơm nước hướng trục tưới tiêu cửa cống hay thoát úng, hoặc là các loại máy bơm piston, bơm bánh răng, bơm cánh gạt sẽ không chạy êm mà phát ra những tiếng kêu bất thường.

Bom_phat_ra_am_thanh_to_la
Dấu hiệu thứ hai cho thấy các máy bơm nước và bơm thủy lực đang bị xâm thực chính là sự rung lắc. Dấu hiệu này đôi khi khiến anh em nhầm tưởng là dòng điện cao làm động cơ điện kéo bơm chạy khỏe. Đôi khi, cứ ngỡ là động cơ chạy lồng. Đó chẳng phải là do động cơ bơm hay sự cố định nền không chắc như anh em thường nghĩ mà đó chính là dấu hiệu xâm thực.
Khi máy bơm bị rung lắc, bên cạnh việc phá hủy vỏ bơm, bánh công tác gây nên bởi hiện tượng xâm thực, sự rung lắc quá mức có thể gây nên hỏng ổ trục, các mối lắp ghép làm kín. Chúng làm lệch, làm cong trục bơm và có thể làm gãy nếu không nhanh chóng kiểm soát hiện tượng xâm thực.
Dấu hiệu rõ ràng hơn để các bạn có thể nhận thấy, hệ thống của các bạn đang bị xâm thực chính là hiện tượng lưu lượng của máy bơm nước bằng không và áp suất giảm. Thậm chí, khi bị xâm thực nặng, máy bơm nước hay bơm thủy lực, lưu lượng và áp suất( cột áp) giảm hết về không.
Trên đây là 3 dấu hiệu đánh giá sơ bộ cho anh em để biết bơm của anh em có đang bị xâm thực hay không. Đó là tiếng kêu ồn lạ, rung lắc mạnh, và giảm, mất lưu lượng áp suất.
4. Biện pháp phòng ngừa và khắc phục hiện tượng xâm thực
4.1 Giải pháp chống xâm thực theo lý thuyết
Về lí thuyết, chúng ta hoàn toàn có thể tránh được hiện tượng xâm thực diễn ra trong máy bơm nước, bơm thủy lực. Điều kiện đó là đơn giản chỉ là không có bọt thì không có xâm thực.
Tuy nhiên cho dù thế nào, chúng ta cũng không thể nào ngăn chặn được việc sinh ra các bọt khí. Chúng ta chỉ có thể hạn chế bớt khả năng tạo bọt trong chất lỏng. Để có thể hạn chế bọt, chúng ta nên chuẩn bị phòng ngừa ngay từ ban đầu. Về lí thuyết, người ta sẽ áp dụng một vài cách nhằm mục đích, tạo ra áp suất làm việc của chất lỏng luôn lớn hơn áp suất hơi bão hòa. Khi đó, chất lỏng sẽ không thể nào hóa hơi được.
Để đạt được điều đó, theo lí thuyết, người ta sẽ đưa ra một vài cách như sau:
- Tạo cho áp suất dư trên bề mặt chất lỏng bằng cách, bơm khí vào buồng chứa chất lỏng ( tất nhiên, buồn chứa chất lỏng, dầu thủy lực hay nước phải kín)
- Làm giảm áp suất chân không ở lối vào của bơm
- Giảm chiều dài của ống hút
- Giảm lưu lượng và số vòng quay của bơm
- Tăng đường kính cửa hút của bơm
Trong các cách trên chúng ta thấy, ngoài cách thứ 3 và cách cuối cùng thì không có cách nào là phù hợp cả, rất không thực tế. Tạo ra áp suất dư lên bề mặt chất lỏng bằng cách bơm khí vào buồng kín rất tốn kém, nhất là đối với máy bơm nước có công suất nhỏ, hộ gia đình.
Giảm áp suất chân không thì bơm hút yếu. Vì sao máy bơm nước của chúng ta hút yếu thì các bạn vui lòng tham khảo bài viết sau để có thể hiểu được.
Giảm chiều dài ống hút tức là, chúng ta sẽ giảm khoảng cách từ máy bơm nước, máy bơm thủy lực của chúng ta đến mặt thoáng của chất lỏng, đến mặt thoáng của dầu thủy lực. Điều này đôi khi cũng bị hạn chế, phụ thuộc vào nguồn nước, cách thiết kế nơi đặt máy bơm nước hay bơm thủy lực( trạm nguồn).

Giam_chieu_cao_hut_may_bom_nuoc
Giảm số vòng quay, giảm lưu lượng của bơm. Cách này rất vô lý, giống như kiểu, muốn tiết kiệm điện, thì thay vì nghĩ ra giải pháp, thì nên tắt hết điện đi. Đôi khi đó chỉ là một giải pháp trên giấy, không bao giờ được ứng dụng.
Cách cuối cùng hiệu quả nhưng lại do nhà sản xuất quyết định. Tăng đường kình cửa hút thì do quá trình chế tạo sản xuất chứ khi đã thành sản phẩm anh em không thể tác động được vào nên tôi không trình bày thêm.
4.2 Giải pháp chống xâm thực hiệu quả
Trong thực tế, người ta thường dùng hai cách dưới đây để hạn chế hiện tượng xâm thực.
- Đặt bơm thấp hơn mặt thoáng của chất lỏng.
- Gia công bền mặt kim loại tạo độ bóng cao, mạ một số kim loại như crom, niken để tăng chất lượng bề mặt.
- Sử dụng dầu thủy lực chất lượng tốt, chứa chất chống tạo bọt
4.2.1 Chống xâm thực bằng cách đặt bơm dưới mặt thoáng

Dat_bom_thap_hon_mat_thoang_chat_long
Để giải thích cho anh em hiểu cách thứ nhất vô cùng phức tạp. Nó đòi hỏi anh em phải có kiến thức nền tảng về lý thuyết cơ học thủy khí chất lỏng bơm quạt cánh dẫn. Mình xin phép không trình bày ở đây để anh em khỏi rối. Anh em nào thích tìm hiểu sâu thì có thể liên hệ mình.

Ly_thuyet_canh
Việc xác định chiều cao đặt máy bơm nước, bơm thủy lực thật quan trọng. Nhất là đối với máy bơm nước, chiều cao hút càn phải thật chuẩn xác. Anh em chú ý, nếu như mặt thoáng của chất lỏng thông với không khí bên ngoài thì không bao giờ được phép đặt bơm cao hơn 10 mét so với mặt thoáng chất lỏng. Nhớ nhé, chiều cao đặt bơm so với mặt thoáng chất lỏng không bao giờ đặt quá 10 mét. Thông thường là dưới 7 8 mét. Đây là điều kiện được tính theo công thức nên anh em cứ thế làm. Việc giải thích mình sẽ làm một video hướng dẫn sau.
4.2.2 Chống xâm thực bằng cách nâng cao chất lượng bề mặt kim loại
Cách thứ hai dành cho nhà sản xuất, cách này cũng mang tính sách vở, nhưng lại được áp dụng thực tế rất hiệu quả. Anh em nào từng học qua Công nghệ chế tạo máy rồi thì sẽ hiểu, chất lượng bề mặt có ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình làm việc của chi tiết. Bề mặt chi tiết có độ nhám nhỏ, tức là độ bóng cao, bề mặt chi tiết máy được nhiệt luyện ( tôi, ram…) cộng thêm thấm các nguyên tố kim loại màu như Nike, crom, đồng, sắt thì sẽ có chất lượng tốt hơn rất nhiều lần, chống mài mòn và chống phá hủy rất tốt.
4.2.3 Chống xâm thực bằng cách sử dụng dầu thủy lực chất lượng tốt
Trong các cách hạn chế xâm thực, tôi thấy cách này là chủ động và hiệu quả hơn cả. Các anh em cần phải lưu ý một số điểm sau để có thể chủ động ngăn ngừa tác động xấu của hiện tượng xâm thực.

Chat_chong_tao_bot_trong_Dau_thuy_luc
Thứ nhất, hạn chế bọt xuất hiện trong hệ thống thủy lực, trong bơm thủy lực, trong máy bơm nước. Việc hạn chế bọt này có thể được thực hiện bằng cách, sử dụng dầu thủy lực chất lượng tốt, có chất chống tạo bọt, ức chế bọt. Chất hạn chế tạo bọt, ức chế bọt thông thường có trong tất cả các loại dầu thủy lực, nhưng số lượng và chất lượng bao nhiêu thì lại phụ thuộc vào độ ” rẻ” của dầu. Thông số này được ghi rất rõ trong catalog dầu thủy lực đi kèm. Các anh em muốn biết chi tiết thế nào là dầu tốt thì tham khảo bài viết dưới đây:
Còn một yếu tố nữa, mình xin trình bày nốt cho anh em, liên quan tới đường ống hút về ảnh hưởng xâm thực. Đường ống hút quá nhỏ hoặc nhiều đường gấp khúc cũng là một nguyên nhân gây ra xâm thực. Bên cạnh đó, các anh em cũng cần thường xuyên kiểm tra, vệ sinh lõi lọc dầu nhằm đảm bảo không bị tắc. Việc tắc lõi lọc dầu làm cho hệ thống thủy lực chứa nhiều khí, từ đó hình thành mầm mống gây nên hiện tượng xâm thực.
Trên đây là toàn bộ kiến thức về hiện tượng xâm thực trong cơ học chất lỏng máy cánh dẫn và máy thể tích, cụ thể là đối với bơm ly tâm, bơm hướng trục và bơm thủy lực. Tất cả đã được giải thích chi tiết cụ thể từ khái niệm hiện tượng xâm thực là gì cho tới nguyên nhân, tác hại và biện pháp ngăn ngừa làm giảm thiệt hại do hiện tượng xâm thực gây ra. Còn gì thắc mắc thì anh em cứ google hay youtube hoặc liên hệ trực tiếp với mình nhé, mình sẽ tích cực bàn luận.
Còn chần chừ gì nữa mà không gọi ngay cho chúng tôi để có được sự hài lòng nhất. Với đội ngũ tiến sĩ kỹ sư trẻ năng động trong và ngoài nước trên 5 năm kinh nghiệm hi vọng sẽ mang lại sự lựa chọn tốt nhất cho khách hàng.
Sự cố của các bạn là trách nhiệm của chúng tôi! Gọi ngay đi!