Chủ đề ngày hôm nay, trong bài viết này, mình sẽ trả lời một loạt những câu hỏi thường gặp nhất mà anh em trong ngành thủy lực khí nén hay gặp phải và liên hệ với mình. Trong thời gian trà chanh cùng anh em, mình sẽ giải đáp và chia sẻ chút kiến thức để anh em có thể áp dụng ” thực chiến” trong ngành. Let’s go
Câu hỏi 1: Trước anh học thủy lực khí nén ở đâu vậy?

Cựu sinh viên bộ môn Máy và Tự động Thủy khí Viện Cơ khí Động Lực Đại học Bách khoa hà nội
Chào anh em, đây là câu hỏi thường gặp nhất, mật độ khoảng 69,96 % các cuộc gọi đến cần tư vấn các vấn đề liên quan tới sự cố trong các hệ thống thủy lực khí nén nhà máy. Không những vậy, nếu là sinh viên thì câu hỏi này sẽ chiếm khoảng 96,69 % tin nhắn trên fanpage. Vì được anh em quan tâm nhiều tới xuất thân của mình, nên mình xin mạn phép được giới thiệu.
Mình là cựu sinh viên của bộ môn Máy và Tự động thủy khí( tên ngành trong tiếng anh chuẩn nó là Hydraulic power and Automation engineering) thuộc Viện Cơ Khí Động Lực, thuộc Đại Học Bách Khoa Hà Nội. Sau quá trình ” tu đạo” dài 5 năm tại trường, 3 năm tại bộ môn, mình đã xuất khỏi lò đào tạo chuyên ngành thủy lực khí nén, gọi tắt là thủy khí.

Viện cơ khí động lực thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội
Thì chia sẻ với anh em trong ngành, một chút về lịch sử của ngành thủy khí để lát mình trả lời cho câu hỏi, tại sao ngành thủy lực khí nén vẫn còn khá mới mẻ ở nước ta ?
Trước tiên, về lịch sử hình thành, qua mấy lời mấy ông tổ trong ngành thủy lực khí nén, chính là mấy bác giáo sư hoặc là đã về hưu, hoặc là chuẩn bị, đang làm việc tại bộ môn Máy và Tự động thủy khí, Viện Cơ khí Động Lực, của Đại học Bách Khoa Hà Nội thì ngành thủy khí của chúng ta mới hình thành và phát triển được hơn 4 chục năm, tức là sau năm 1975.

Các thầy cô giáo bộ môn thủy lực khí nén của Đại học Bách Khoa Hà Nội
Nói như vậy thì so với các ngành công nghiệp anh em như cơ khí, điện, điện tử thì ngành thủy khí của chúng ta tụt hậu hơn rất nhiều. Đấy là chưa kể, sau từng ấy năm, chúng ta cũng chưa có gì nhiều, mới chỉ dừng lại ở việc chế tạo xi lanh thủy lực, lắp ráp trạm nguồn thủy lực, lắp ráp các máy ép thủy lực đơn giản và xây dựng hệ thống thủy lực khí nén hết sức thô sơ. Vậy chả phải là mới mẻ hay sao.
Về việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho sự phát triển của ngành công nghiệp thủy lực khí nén, hiện tại, mỗi năm cho ra lò khoảng 1 trăm kĩ sư thủy lực khí nén. Khoan nói đến chất lượng đào tạo, với số lượng này, thì mất bao nhiêu năm để có đủ số lượng nhân lực phục vụ riêng cho ngành thủy khí nước nhà. Đấy là chưa nói đến việc, thời đại quốc tế hóa, kĩ sư có thể ra nước ngoài làm việc.
Lấy cụ thể với những số liệu để anh em thấy thực tế, số lượng kĩ sư thủy lực khí nén được cho ra lò hàng năm tại Đại Học Bách Khoa Hà Nội là khoảng hơn 3 chục kĩ sư. Cũng có một vài nơi đào tạo chuyên ngành này như bên Đại Học Mỏ, Đại học Thủy Lợi mà mình biết đến, nhưng theo như các bậc tiền bối, chính là các giáo sư giảng đạo thời còn đi học, về chất lượng và số lượng thì Đại Học Bách Khoa là number 1. Nói như vậy, con số 100 kia có vẻ được nâng lên ít nhiều, để cho anh em điện, cơ khí biết là quân thủy khí mình đông.

Các tân kĩ sư của bộ môn Máy và Tự động Thủy Khí
Làm phép so sánh chút ít, sinh viên ngành thủy lực khí nén khóa mình học, số lượng sinh viên trong ngành là 30, trong khi đó, anh em ngành ô tô là 80, anh em cơ khí là 450( trong cơ khí, có rất nhiều ngành, khoảng 8 mã ngành như cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, máy và ma sát, hàn, vật liệu …). Anh em bên điện thì cũng hoành tráng không kém, dễ đến cả nghìn người, chia thành nhiều mảng. Tính trung bình ra, mỗi ngành ít thì gấp đôi, nhiều thì gấp 3 lần sinh viên của ngành thủy khí.
Phần cuối cùng, mình sẽ nói về bước ngoặt của ngành thủy lực khí nén. Cứ 10 người bạn của mình, thì 6 người chọn hướng rẽ mới ở năm cuối đại học. Ông thì học tiếng Nhật rồi đáp xuống Tokyo sau khi lấy được chứng chỉ N3, ông thì cũng Vinfast sang làm ô tô( thời đi học, học chung nhiều môn lại sát vách nên học thủy khí đi làm ô tô vẫn ok nhé anh em). Một vài người bạn thì sang hẳn mảng cơ khí( cái này thì kiến thức đại cương anh em tôi thủy khí biết cả, đến tận năm 3 mới vào ngành, nên cơ học kĩ thuật, sức bền vật liệu, vật liệu kim loại, đồ họa 1 2, phần mềm cad 2D, Solidwork 3D anh em tôi thành thạo cả).
Rồi, một vài anh em yêu nghề thì sau một thời gian ra trường, chật vật tìm việc mà không có một công ty thủy lực khí nén nào tuyển dụng cả, cũng đành phải nhắm mắt rẽ hướng tìm tạm việc. Đến thời điểm hiện tại, ngoài tôi ra, lớp thủy khí năm xưa, giờ không biết còn nổi ông bạn nào sờ vào chiếc bơm thủy lực, mua van khí nén, thay đoạn ống khí nén PU màu xanh phi 6, hay ngồi cuốn băng tan cho đoạn cút nối khí nén cong nữa không. Đến là buồn!!!
Thôi chuyện buồn thế kể lể đủ rồi, qua phần nhận xét trên, mình muốn nhấn mạnh với anh em, là việc đào tạo ngành thủy lực khí nén này không nhiều. Hiện tại, trên các diễn đàn thủy lực khí nén, hay qua các lời thầy cô kể từ kinh nghiệm đi làm và tư vấn cho các doanh nghiệp bên ngoài, thì không có đơn vị nào đào tạo bài bản về ngành này. Tất cả chỉ là kinh nghiệm thực chiến, chút sáng tạo nhỏ bản năng của người Việt mình.
Chính vì tình hình thiếu nhân lực trong ngành, mình còn nhớ câu nói của một thầy, trong tiết học truyền động khí nén tại tòa nhà TC Lê Thanh Nghị nói rằng, ngành thủy lực khí nén thiếu rất nhiều nhân lực và chưa có đơn vị thứ 2 nào đào tạo bài bản như Đại Học Bách Khoa Hà Nội. Trang web bạn đang đọc chính là nơi mình muốn giúp các bạn, truyền đạt cho các bạn, những anh chị em qua tuổi đi học, những anh em trong nghề không theo con đường học tập, có thể tiếp cận được kiến thức ngành.
Toàn bộ là những kiến thức cơ bản mà mình được đào tạo tại trường, chính là những kiến thức các thầy đã vất vả mang từ châu Âu, mang từ nhật, hàn hay Đài Loan, Ấn Độ. Một góc nhỏ nào đấy, chính là phần kiến thức thủy lực khí nén từ các trang web của các hãng thương mại nổi tiếng như Rexroth, Parker, SMC, Festo mình tìm hiểu được và chút kinh nghiệm thực chiến.
Ok, phần giới thiệu thế đủ rồi, kiến thức trên website này là kiến thức trong trường đại học nên anh em cứ yên tâm nhé.
Câu hỏi 2: Học thủy lực khí nén xong ra trường làm gì hả anh?
Thì ở phần trên, như mình đã trình bày cho anh em, lớp cũ thủy khí năm xưa của mình, đâu đấy còn vài người dùng kiến thức thủy lực. Lúc vào phân ngành, cũng được định hướng đào tạo rất ok, nhưng rồi sau cũng mất dần nhiệt huyết. Đó là cảm nhận của mình với các bạn cùng lớp ngày trước.
Nói như vậy, là do chuyên ngành thủy lực khí nén không phát triển, hay lí do gì mà số lượng người theo nghề lại ít như vậy?

Kĩ sư ngành thủy lực khí nén là niềm mơ ước của biết bao sinh viên
Ngành thủy lực khí nén phát triển từng ngày, tất cả các nhà máy đều cần tới kĩ sư thủy lực khí nén cả. Dù ít nhiều, vẫn cần tới một hay hai kĩ sư thủy lực khí nén. Những công ty hoạt động chuyên về mảng thủy lực khí nén không nhiều, đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết là vừa và nhỏ. Cũng có những công ty lớn, song lại thương mại chứ không phải gia công chế tạo gì cả. Còn hầu như là xưởng sản xuất.
Phân tích cho anh em chút về tình hình, để mấy bạn có thể nhìn nhận cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ngành thủy lực khí nén. Xưởng sản xuất thì nhiều, xong nếu có thuê người làm, thì mấy ông thợ có tỉ lệ thuê cao hơn kĩ sư thủy lực khí nén. Hệ thống đơn giản và chỉ là chế tạo xi lanh và lắp đặt trạm nguồn, mấy ông kĩ sư không bao giờ có đất dụng võ.
Đến lượt mảng thủy lực khí nén trong các công ty, thường thì công việc này chỉ là bảo dưỡng bảo trì hệ thống, thế nên, thợ bảo dưỡng lại có vẻ được tuyển dụng nhiều hơn cả kĩ sư.
Thực sự, tìm được một công việc đúng chuyên ngành, là một công việc khó. Cái này, mấy anh em nào cứ ra trường rồi đều biết rõ. Anh em nào đam mê nghề nghiệp, hãy tìm công việc liên quan đến Sale thì ổn hơn cả.
Và trong lúc khó tìm được công việc đúng ngành mình học, những công ty nào tuyển dụng mà liên quan tới kĩ thuật cơ khí, là các anh em chuyển ngành cả. Nói như vậy để thấy rằng, nhân lực ngành thủy khí đã ít, đào tạo xong cũng rất ít người còn theo nghề.
Chính vì những khó khăn trên, lại mở ra rất nhiều cơ hội cho anh em nào ham mê tìm tòi học. Tôi rất thích các anh em tự sửa chữa, hay mua đồ về lắp đặt lấy. Có rất nhiều bạn còn rất trẻ, kiến thức không nhiều, gọi điện nhờ tôi tư vấn. Cũng mua đồ về và mày mò lắp đặt. Những hệ thống thủy lực khí nén thông thường đơn giản, mua đồ về lắp là ok. Học ngành ra, không phải cứ đi làm chỗ này chỗ nọ. Anh em tự học rồi tự làm cho mình.
Câu hỏi 3: Sản phẩm như bơm thủy lực, van thủy lực khí nén, ống khí nén, đầu nối khí nén hay gioăng phớt chắn dầu bên trong xi lanh hàng anh nhập từ đâu?

Kho bơm thủy lực piston ở Hà Nội
Từ nhiều nơi anh em ạ. Đối với những mặt hàng giá trị lớn như bơm thủy lực, chính hãng bơm thủy lực từ Rexroth, Parker, mỗi chiếc rẻ cũng phải ngành đô, trung bình ngàn rưỡi, đắt thì đôi ba ngàn. Cũng tùy thuộc vào chủng loại và công suất, nhưng loại nhỏ thì là từng ấy tiền. Đối với hàng đắt thế này, không có một ông lớn thủy lực nào, ngay cả bên mình cũng không thể gom hàng trong kho. Khách hàng đặt mới chuyển hàng về được.
Bơm thủy lực bán chạy nhất là bơm của Liên Xô, hay hàng nhật bãi. Đặc điểm của các loại hàng này, là giá cứ khoảng 1 ngàn đổ về, thường thì 500 đô la xài max bền. Những loại này thì các ông muốn coi, tôi dẫn các ông đi cả kho. Hàng mới khoảng 90%, nhập cả container, bán chạy nên tôi nhập nhiều. Anh em có thể tham khảo bài viết phân tích về chất lượng bơm hàng Nhật bãi, bơm Trung Quốc dưới đây:

bơm thủy lực piston
Bơm thủy lực Trung quốc thì cũng có, nhưng tôi nhập ít, chủ yếu phục vụ cho anh em thích hàng rẻ. Hàng này bản thân tôi cũng ái ngại khi bán cho khách hàng, uy tín giảm nhiều. Nhưng trước khi bán, tôi cũng đã tư vấn, không có gì cả.

Xi lanh thủy lực bãi cũng có tại kho Hà Nội
Xi lanh thủy lực anh nhập từ đâu? xi lanh thủy lực được đặc trưng bởi hành trình và độ lớn của ống xy lanh. Hành trình sử dụng khác nhau, áp suất hoạt động và yêu cầu lực đẩy khác nhau, nên nếu nhập khẩu thì rất khó vừa với yêu cầu của khách hàng. Thế nên, hầu hết những xi lanh đều cần phải chế tạo, tức là, mua ống xy lanh, mua cần xi lanh theo thanh, gioăng phớt chắn dầu xi lanh để sẵn đó, khách hàng đặt thì mới cắt ống gia công và lắp ráp. Thời gian thì 1 tuần đổ lại. Thế mới phù hợp với yêu cầu khách hàng.

bơm thủy lực Liên Xô chất lượng tốt
Còn lại những mặt hàng như van thủy lực, van khí nén, ống thủy lực, ống khí nén, đầu nối, cút nối thủy lực khí nén, bộ lọc khí nén, xi lanh khí nén …. thì hàng Hàn Quốc, hàng Nhật, hàng Đài Loan, hàng Ấn Độ, hàng Trung Quốc, hàng Thái Lan có cả. Những mặt hàng phụ trợ, chủ yếu cung cấp cho anh em sử dụng trong các nhà máy công nghiệp.
Hàng hóa số lượng nhiều, nói chung rất ít khi out of stock. Nếu trường hợp hãn hữu, hàng tạm thời không có, mình sẽ bảo anh em chờ một vài ngày. Nếu anh em cần gấp, mình sẽ phải lấy hàng từ những anh em trong nghề, anh em cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ mình trong việc cung cấp cho khách hàng.
Câu hỏi 4. Hàng thủy lực khí nén bên anh bảo hành không ạ ?
Tùy từng mặt hàng sẽ có những chính sách bảo hành. Ví dụ như các dòng máy ép tuy ô ống thủy lực. Đây là dòng máy ép có giá trị lớn, lại có vẻ hoạt động phức tạp hơn. Thế nhưng, chắc có lẽ do hàng giá trị lớn nên anh em luôn yêu cầu bảo hành, chứ cách sử dụng, thì tôi đã hướng dẫn anh em trên youtube rồi, gõ máy ép tuy ô ống thủy lực là ra kênh của tôi ngay.

Các dòng máy ép tuy ô thủy lực
Đối với mặt hàng máy ép tuy ô ống thủy lực, thì hãng sản xuất sẽ bảo hành cho chúng ta 1 năm do lỗi nhà sản xuất. Đây là thời gian bảo hành lâu nhất của bên mình. Sau thời gian bảo hành, bên mình sẽ cung cấp phụ tùng thay thế, hỗ trợ kĩ thuật trọn đời. Không những vậy, ống thủy lực và đầu ép, bên mình cũng sẽ cung cấp thường xuyên cho anh em. Hỗ trợ anh em đến mức tối đa luôn. Có công ty thủy lực nào phục vụ anh em đến thế không ?
Bơm thủy lực thì bảo hành 1 tháng nhé anh em. Nói thực là, mấy mặt hàng thủy lực khí nén, lúc mua luôn phải kiểm tra kĩ, tôi cũng luôn để anh em kiểm tra hàng. Hàng về tay là 100% hàng tốt, nên không bao giờ anh em phải quay lại cả. Vừa không mất công bảo hành, vừa có uy tín. Bơm thủy lực bên tôi, anh em yên tâm nhé.

ống khí nén phi cũng có sẵn tại kho
Các thiết bị phụ trợ khác, giá trị nhỏ, hàng đơn giản nên không hỏng trong thời gian đầu, nên anh em ít khi đòi bảo hành. Ống thủy lực thì cuộn bán theo mét, ống khí nén PU, PE, PA hay Nylon thì cả trăm mét, chất lượng thì luôn như vậy, không bao giờ cần bảo hành.
Gioăng phớt thủy lực là mặt hàng nhạy cảm với chất lượng nhất. Do được làm bằng vật liệu mềm dẻo, xong lại phải chịu áp lực cao nên hầu hết hư hỏng của xi lanh đều liên quan tới doăng phớt này. Doăng phớt có vài loại, doăng phớt nhập khẩu thì chất lượng luôn tin cậy, song giá thành cao. Loại mặt hàng này chủ yếu cung cấp cho các công ty. Đối với những anh em nào kì kèo, mua hàng luôn để ý tới giá, họ thích phớt trong nước và phớt Trung Quốc hơn cả. Tất nhiên, anh em cũng biết rằng, phớt Trung Quốc hãng, chất lượng không kém gì phớt nhập khẩu từ Nhật Hàn hay Thái.
Câu hỏi 5: Học thủy lực khí nén thì dùng phần mềm gì ?
Đây là câu hỏi quen thuộc của sinh viên, thậm chí, các cô cậu năm cuối rồi cũng không biết nên trang bị phần mềm gì trước khi ra trường.

Phần mềm thiết kế đường ống thủy lực khí nén Solid Edge
Anh em trong nghề lâu năm rồi thì quen thiết kế tay. Những hệ thống thủy lực khí nén phức tạp thì chả bao giờ thiết kế. Chủ yếu câu hỏi này cho mấy nhóc ra trường đi làm.
Ngày còn đi học, các nếu làm đồ án thì ai cũng biết dùng phần mềm vẽ 2D là autocad, phần mềm vẽ 3D là solidwork, Inventor hay Catia, NX. Đây là những phần mềm vẽ cơ bản bất cứ anh em nào học cơ khí kĩ thuật ra đều phải thông thạo một trong những phần mềm 3D trên.
Đối với sinh viên ngành thủy lực khí nén, để xây dựng và mô phỏng chính xác nguyên lí hoạt động, trước khi đi vào lắp ráp để tiết kiệm thời gian và tiền bạc, phần mềm mô phỏng tự động, thiết kế mạch khí nén, mạch điều khiển và mô phỏng nguyên lí Automation studio ra đời giải quyết bài toán.
Đây là phần mềm quen thuộc của bất cứ anh em nào làm việc trong lĩnh vực thủy lực khí nén đều sử dụng để xây dựng hệ thống. Về phần mềm này, mình đã có vài video hướng dẫn, anh em có thể tham khảo phần 1 hướng dẫn sử dụng phần mềm automation studio ở dưới đây.
Phần mềm tự động hóa tiếp theo trong ngành thủy lực khí nén chính là Tia portal hoặc các phần mềm lập trình điều khiển logic khác đối với các dòng PLC. PLC chính là bộ điều khiển lập trình logic, sử dụng các tín hiệu vào, xử lí theo thuật toán lập trình, sau đó xuất tín hiệu ra điều khiển cơ cấu chấp hành.

Phần mềm hỗ trợ xây dựng và mô phỏng hệ thống thủy lực khí nén automation studio
Lấy ví dụ đơn giản về việc sử dụng chương trình PLC để điều khiển một xi lanh. Lấy ví dụ đơn giản cho anh em dễ hiểu chứ hệ thống nó phức tạp. 2 cảm biến sẽ được gắn ở hai đầu xi lanh. Mỗi lần piston chạm đến cuối hành trình, nơi có gắn cảm biến, tín hiệu sẽ được gửi về bộ điều khiển trung tâm PLC. Tín hiệu nhận được sẽ được xử lí theo chương trình mà anh em lập trình, sau đó xuất tín hiệu ra để điều khiển van thủy lực hay van khí nén, xi lanh sẽ đổi chiều chuyển động. Đó là một ví dụ đơn giản về việc, sử dụng phần mềm điều khiển tự động hệ thống.
Việc sử dụng phần mềm này, mình sẽ hướng dẫn anh em trong các video sau. Tiếp đến là phần mềm chuyên thiết kế đường ống hay các bo mạch khí nén. Thực tế, chỉ những công ty hay doanh nghiệp nào lớn, mới sử dụng những phần mềm chuyên thiết kế. Còn thông thường thì chỉ sử dụng Autocad hay solidwork. Phần mềm chuyên dùng để thiết kế đường ống thủy lực khí nén là Solid Edge.
Phần mềm này chắc ít anh em biết, vì trong trường, cũng ít được dạy hay sử dụng. Các công ty nước ngoài, đặc biệt là công ty của Nhật, họ hay sử dụng phần mềm Solid edge để thiết kế đường ống khí nén, thủy lực, các bo mạch khí nén điều khiển. Ngoài thực tế, có thể anh em chỉ mới trông thấy những hệ thống khí nén cồng kềnh, thực hiện thao tác đơn giản. Thế nhưng, trong những tên lửa đẩy, hệ thống mà không cho phép xuất hiện tia lửa điện, thì bo mạch điện, điện tử không được phép sử dụng. Người ta thiết kế bo mạch khí nén để thay thế nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy nổ. Và phần mềm hỗ trợ bậc nhất, tiện dụng và thiết kế nhanh nhất, chuẩn nhất chính là phần mềm thiết kế hệ thống khí thủy lực khí nén Solid Edge. Mình sẽ hướng dẫn các bạn sử dụng phần mềm này trong thời gian tới.
Thế thôi, từng ấy phần mềm cũng đủ cho anh em tác chiến với mọi hệ thống rồi. Dạo này bận rộn, nên chưa làm được nhiều video hướng dẫn anh em vẽ vời với xây dựng hệ thống và mô phỏng trên phần mềm. Thời gian tới mình sẽ cố gắng làm cho anh em một vài video để giúp anh em tác nghiệp được.
Bài viết 10 vạn câu hỏi vì sao liên quan tới ngành thủy lực khí nén mình xin dừng tại đây. Hôm nay cố gắng làm được 5 câu, còn lại nợ anh em. Mình sẽ trả trong thời gian tới, liên quan nhiều tới kĩ thuật chuyên ngành nhiều hơn. Cám ơn anh em ngồi nghe tâm sự ngành. Done !!!
Còn chần chừ gì nữa mà không gọi ngay cho chúng tôi để có được sự hài lòng nhất. Với đội ngũ tiến sĩ kỹ sư trẻ năng động trong và ngoài nước trên 5 năm kinh nghiệm hi vọng sẽ mang lại sự lựa chọn tốt nhất cho khách hàng.
Sự cố của các bạn là trách nhiệm của chúng tôi! Gọi ngay đi!